ĐĂNG NHẬP  
image banner
       
TIÊU CHÍ ĐẶT TÊN ĐƯỜNG THỊ TRẤN THANH CHƯƠNG
Lượt xem: 141
TIÊU CHÍ  ĐẶT TÊN ĐƯỜNG THỊ TRẤN THANH CHƯƠNG

UBND TỈNH NGHỆ AN

HĐTV ĐTĐ TT THANH CHƯƠNG

CỘNGHOÀ XÃ HÔỊ CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

TIÊU CHÍ

ĐẶT TÊN ĐƯỜNG THỊ TRẤN THANH CHƯƠNG

Căn cứ:

- Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;

- Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hoá- Thông tin về Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;

- Quy hoạch thị trấn Thanh Chương đã được phê duyệt;

- Kinh nghiệm việc đặt, đổi tên đường, phố của một số thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,... và các địa phương trong tỉnh như Thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị trấn Nghĩa Đàn, Yên Thành, Đô Lương…;

- Hiện trạng các tuyến đường trên địa thị trấn Thanh Chương,

Hội đồng tư vấn đặt tên đường thị trấn Thanh Chương xây dựng tiêu chí đặt tên đường thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương như sau:

I. VỀ DANH NHÂN, SỰ KIỆN, ĐỊA DANH LỊCH SỬ ĐƯỢC XEM XÉT, LỰA CHỌN ĐỂ ĐẶT TÊN ĐƯỜNG

1.Tên danh nhân:

- Là những danh nhân tiêu biểu, những nhân vật lịch sử, văn hoá nổi tiếng, có đức, có tài, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, quê hương, có công lớn trên các lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá- nghệ thuật, y tế, giáo dục, quốc phòng an ninh…, được nhân dân suy tôn và thừa nhận.

- Những danh nhân ấy, nhân vật ấy đã được ấn phẩm chính thức ghi nhận vàđã qua đời cách đây ít nhất 5 năm. Trong một số trường hợp, những danh nhân thời gian qua đời chưa đủ 5 năm nhưng có vai trò, cống hiến đặc biệt đối với lịch sử dân tộc thì có thể trình HĐND, UBND tỉnh xem xét đặt tên.

- Ưu tiên danh nhân, nhân vật là người huyện Thanh Chương.

* Chia thành các nhóm cụ thể như sau:

1.1. Danh nhân thuộc lĩnh vực chính trị, hoạt động xã hội: là những người giữ những vị trí trụ cột trong bộ máy nhà nước qua các thời kỳ lịch sử, có những đóng góp to lớn cho sự tồn vong và phát triển đất nước, là tấm gương sáng về đạo đức, được nhiều người ngưỡng mộ, biết đến.

Đối với danh nhân chính trị hoạt động ở Nghệ An: là những người đứng đầu tỉnh, thành phố qua các thời kỳ, ở những mốc thời gian có ý nghĩa, có những đóng góp to lớn, để lại những dấu ấn nổi bật trong quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Nghệ An; là tấm gương sáng về đạo đức, được nhiều người ngưỡng mộ, biết đến.

1.2. Danh nhân thuộc lĩnh vực Quân sự: là những Anh hùng dân tộc, những danh tướng, giữ những trọng trách quan trọng, những nhân vật có đóng góp nổi trội trong sự nghiệp bảo vệ và giải phóng dân tộc, các phong trào yêu nước trước 1945; hoặc là những anh hùng liệt sỹ được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND có thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong công cuộc bảo vệ đất nước hiện nay; là tấm gương sáng về đạo đức, được nhiều người ngưỡng mộ, biết đến.

1.3. Danh nhân thuộc lĩnh vực kinh tế: là những người có công chiêu dân khai canh lập làng, phát triển kinh tế, tổ sư các ngành nghề truyền thống nổi tiếng; những người có đóng góp nổi trội trên lĩnh vực kinh tế được phong danh hiệu Anh hùng Lao động.

1.4. Danh nhân văn hoá: những nhà khoa bảng lớn có học hàm, học vị từ Phó bảng (trước 1945), hoặc PGS, Tiến sỹ khoa học (sau 1945) trở lên; những nhà giáo, thầy thuốc, nghệ nhân, nghệ sỹ tiêu biểu... có nhiều cống hiến cho dân, cho nước, được nhiều người biết đến và tôn vinh;

Những nhà kiến trúc, hội hoạ, những nhà văn, nhà thơ... sáng tạo nên những công trình đặc sắc, để lại những tác phẩm đặc sắc về kiến trúc, hội hoạ, văn học, nghệ thuật; những nhà khoa học tiêu biểu có học hàm học vị, có những phát minh, cống hiến nổi bật trong các ngành khoa học được nhận các giải thưởng cao của quốc tế, quốc gia;

2. Tên những phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu của đất nước, của Nghệ An, của huyện Thanh Chương.

3. Tên những địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá của đất nước hoặc địa phương; địa danh, danh từ đã quen dùng từ xưa đến nay, đã đi sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên các nghề, làng nghề truyền thống tiêu biểu; tên một số di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng.

4. Tên những danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hoá, xã hội.

II. VỀ QUY MÔ ĐƯỜNG

1. Những đường đã được xây dựng theo Quy hoạch đô thị của thị trấn Thanh Chương, được sử dụng ổn định, với các loại đường như sau:

+ Nhóm 1: gồm đường Quốc lộ, liên huyện, đường liên xã - thị trấn: có 05 tuyến, quy mô lòng đường từ 12-24m.

+ Nhóm 2: gồm các tuyến đường nội thị, liên khối: có 25 tuyến, quy mô lòng đường 6 -12m

+ Nhóm 3: gồm các tuyến đường nội khối: có quy mô lòng đường 3.5 - 6 m

2. Về quy mô đường: chiều rộng hiện trạng từ 6m, quy hoạch từ 8m, dài từ 500m trở lên, đường liên thông, có điểm đầu và điểm cuối thì được xem xét để đặt tên.

3. Trường hợp đặc biệt không đủ kích thước về chiều rộng và chiều dài của đường sẽ do HĐTV xem xét cụ thể.

III. VỀ NGUYÊN TẮC LỰA CHỌN, SẮP XẾP

Việc đặt tên đường phải thực hiện theo các nguyên tắc chung như sau:

1. Tính khoa học:

- Căn cứ vào qui mô, vị trí của đường, phố để đặt tên cho xứng với tầm vóc của danh nhân, nhân vật, sự kiện, ý nghĩa của danh từ, địa danh.

- Sắp xếp theo nhóm loại hình, theo niên đại: những nhân vật có liên quan với nhau, có chung lĩnh vực hoạt động hoặc cùng thời đại thì tập trung ở một khu vực.

- Tên sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hoặc danh nhân lớn nhưng quy mô đường chưa đủ tầm thì để dành cho đợt sau.

2. Tính thống nhất:

Không đặt tên đường bằng các tên gọi khác nhau của cùng một danh nhân trên địa bàn thị trấn.

3. Tính đặc thù

- Ưu tiên đặt tên danh nhân cho đường trên địa bàn nơi sinh ra danh nhân đó hoặc có liên quan đến danh nhân đó.

- Ưu tiên những tên đường phản ánh được những đặc điểm của địa phương như các sự kiện, danh từ, địa danh.

4. Tính toàn diện

Các tuyến đường phải nghiên cứu đặt tên cả danh nhân, danh từ, địa danh và sự kiện lịch sử phù hợp, gắn với địa phương.

5. Tính lịch sử

Ưu tiên những tên đường gắn với lịch sử địa phương, được sử dụng nhiều hoặc đi vào tiềm thức của nhân dân.

6. Tính giáo dục

Các tuyến đường được đặt tên phải sử dụng những tên gọi có ý nghĩa, mang tính giáo dục về lịch sử, văn hóa, cách mạng cho các thế hệ./.

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TƯ VẤN

GIÁM ĐỐC SỞ VHTT

Trần Thị Mỹ Hạnh

 
12345...>>
Tin tức
  • Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số QG
1