Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, nhiều tên đất, tên người đã đi vào sử sách, thì ca, trở thành niềm tự hào của mỗi người con xứ Nghệ, trong số đó có Thanh Chương - nơi đánh dấu sự ra đời đầu tiên của chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh năm1930 - 1931.
Thanh Chương - một miền quê non nước hữu tình “ Đất giáp ba sông hiểm. Núi hình muôn ngựa phi. Chương, Hương chia hai ngả. Lam, Phố hợp ba chi”, từ lâu đời đã nổi tiếng với truyền thống yêu nước và cánh mạng. Chính điều kiện thiên nhiên nơi đây đã ảnh hưởng sâu sắc đế sự hình thành tính cách của con người Thanh Chương: Gan góc, thông minh, sống trọng nghĩa tình, luôn nuôi chí lớn. Thời nào, đất và người Thanh Chương cũng có những đóng góp xứng đáng với quê hương đất nước. Họ xứng đáng với lời khen ngơi: “Cả nước mất, Nghệ Tĩnh vẫn còn. Nghệ Tĩnh mất, làng Lương Điền vẫn chiến đấu”. Truyền thống qúy báu đó đã được thể hiện rõ nét kể từ khi có Đảng Cộng sản ra đời và lãnh đạo.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự chỉ đạo của phân cục Trung ương Đảng ở Trung Kỳ, ngày 20/3/1930, đại biểu các chi bộ Cộng sản ở Thanh Chương đã tiến hành hội nghị, bầu ra Ban chấp hành lâm thời Huyện uỷ gồm các đồng chí: Tôn Gia Tinh, Hoàng Thuyết, Tôn Thị Quế, Trần Trạch, Nguyễn Như Kỷ, Nguyễn Văn Đồng…Đồng chí Tôn Gia Tinh được bầu làm Bí thư. Đảng bộ huyện Thanh Chương được thành lập là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa Mác - Lê nin và phong trào yêu nước sôi nổi của nhân dân toàn huyện, từ đây phong trào cách mạng của nhân dân Thanh Chương bước vào một giai đoạn mới.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Nghệ An về việc phát động nhân dân đấu tranh nhân ngày quốc tế Lao động 1 tháng 5, huyện ủy Thanh Chương đã nhanh chóng tổ chức họp tại nhà đồng chí Trần Trạch (xã Võ Liệt), bàn phương án và kế hoạch đấu tranh. Hội nghị quyết định treo cờ búa liềm và rải truyền đơn khắp các làng xã, những nơi có điều kiện thì tổ chức mít tinh, diễn thuyết, đưa yêu sách. Sáng ngày 1/5, gần 3000 nông dân các làng La Mạc, Hạnh Lâm, Đức Nhuận, Yên Lậc, Nhuận Trạch sau khi tập trung tại đình làng Thượng nghe cán bộ đảng diễn thuyết về ý nghĩa của ngày quốc tế Lao động, đã kéo đến đồn điền Ký Viễn (tức Nguyễn Trường Viễn - một tên địa chủ kiêm tư sản có nhiều nợ máu với nhân dân) để đưa yêu sách, Ký Viễn run sợ chạy trốn. Sẵn có mâu thuẫn chất chứa từ lâu, nhân dân đã xông vào phá hủy toàn bộ dinh cơ của hắn, trong phút chốc đồn điền ngập chìm trong khói lửa. Cùng ngày, hơn 100 học sinh trường Pháp - Việt Thanh Chương đã tập trung tại quán Ngũ Phúc (xã Võ Liệt) tổ chức mít tinh và diễu hành thị uy qua huyện đường, biểu thị quyết tâm đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Lần đầu tiên trong lịch sử, phong trào cách mạng Thanh Chương dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nông dân và học sinh đã kề vai sát cánh với giai cấp công nhân, nhân dân lao động trong tỉnh và trong cả nước chống lại ách áp bức bóc lột của đế quốc và tay sai.