ĐĂNG NHẬP  
image banner
       
Điều kiện tự nhiên - địa lý huyện Thanh Chương


Huyện Thanh Chương ở phía tây nam tỉnh Nghệ An, nằm trong toạ độ từ 18034'42” đến 18053'33” vĩ độ bắc, và từ 104056'07” đến 105036'06” kinh độ đông; phía bắc giáp huyện Đô Lương và huyện Anh Sơn; phía nam giáp tỉnh Hà Tĩnh; phía đông giáp huyện Nam Đàn; phía tây và tây nam giáp huyện Anh Sơn và tỉnh Bôlykhămxay (nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào) với đường biên giới quốc gia dài 53 km.

 

Diện tích tự nhiên của Thanh Chương là 1.128,8678 km2, xếp thứ năm trong 20 huyện, thành, thị trong tỉnh.

 

Địa hình Thanh Chương rất đa dạng. Tính đa dạng này là kết quả của một quá trình kiến tạo lâu dài và phức tạp. Núi đồi, trung du là dạng địa hình chiếm phần lớn đất đai của huyện. Núi non hùng vĩ nhất là dãy Giăng Màn, có đỉnh cao 1.026 m, tạo thành ranh giới tự nhiên với tỉnh Bôlykhămxay (Lào), tiếp đến là các đỉnh Nác Lưa cao 838 m, đỉnh Vũ Trụ cao 987 m, đỉnh Bè Noi cao 509 m, đỉnh Đại Can cao 528 m, đỉnh Thác Muối cao 328 m. Núi đồi tầng tầng lớp lớp, tạo thành những cánh rừng trùng điệp. Phía hữu ngạn sông Lam đồi núi xen kẽ, có dãy chạy dọc, có dãy chạy ngang, có dãy chạy ven bờ sông, cắt xẻ địa bàn Thanh Chương ra nhiều mảng, tạo nên những cánh đồng nhỏ hẹp. Chỉ có vùng Thanh Xuân, Võ Liệt, Thanh Liên là có những cánh đồng tương đối rộng. Phía tả ngạn sông Lam, suốt một giải từ chân núi Cuồi kéo xuống đến rú Dung, núi đồi liên tiếp như bát úp, nổi lên có đỉnh Côn Vinh cao 188 m, núi Nguộc (Ngọc Sơn) cao 109 m.

 

Cũng như các vùng miền núi khác trong tỉnh, vùng đất Thanh Chương do khai thác lâu đời, bồi trúc kém nên đất đai trở nên cằn cỗi và ong hoá nhanh, trừ vùng đất phù sa màu mỡ ven sông Lam và sông Giăng.

 

Về thổ nhưỡng: Thanh Chương có bảy nhóm đất (xếp theo thứ tự từ nhiều đến ít): Nhiều nhất là loại đất pheralít đỏ vàng đồi núi thấp rồi đến đất pheralít đỏ vàng vùng đồi, đất phù sa, đất pheralít xói mòn trơ sỏi đá, đất pheralít mùn vàng trên núi, đất lúa vùng đồi núi và đất nâu vàng phát triển trên phù sa cổ và lũ tích1.

 

Rừng Thanh Chương vốn có nhiều lâm sản quý như: lim xanh, táu, de, dổi, vàng tâm... cùng các loại khác như song mây, tre nứa, luồng mét... Hệ thực vật rừng phong phú về chủng loại, trong đó, rừng lá rộng nhiệt đới là phổ biến nhất. Rừng có độ che phủ là 42,17% (năm 2000). Động vật rừng, từ xưa có nhiều voi, hổ, nai, khỉ, lợn rừng... Nay, động vật còn lại không nhiều; còn hệ thực vật rừng, tuy bị chặt phá nhiều nhưng trữ lượng gỗ vẫn còn khá lớn. Tính đến năm 2000, trữ lượng gỗ có 2.834.780 m3 (trong đó, rừng trồng 95.337 m3, rừng tự nhiên 2.739.443 m3). Tre, nứa, mét khoảng hàng trăm triệu cây2.

 

Về khoáng sản: Thanh Chương có trữ lượng đá vôi khá lớn ở Hạnh Lâm, Thanh Ngọc, Thanh Mỹ; đá granit ở Thanh Thuỷ; đá cuội, sỏi ở bãi sông Lam, sông Giăng; đất sét ở Thanh Lương, Thanh Khai, Thanh Dương, Thanh Ngọc... Trong lòng đất có thể có các loại khoáng sản khác nhưng ngành địa chất chưa khảo sát, thăm dò kỹ lưỡng.

 

Về sông ngòi: Sông Lam (tức sông Cả) bắt nguồn từ Thượng Lào, chạy theo hướng tây bắc - đông nam, qua các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, chảy dọc huyện Thanh Chương, chia huyện ra hai vùng: hữu ngạn và tả ngạn. Sông Lam là một đường giao thông thuỷ quan trọng. Nó bồi đắp phù sa màu mỡ ven sông, nhưng về mùa mưa, nó trở nên hung dữ, thường gây úng lụt ở vùng thấp. Sông Lam còn có các phụ lưu trong địa bàn Thanh Chương như sông Giăng, sông Trai, sông Rộ, sông Nậy, sông Triều và sông Đa Cương (Rào Gang).

 

Với hệ thống sông ngòi chằng chịt khắp huyện, ngoài tuyến đò dọc, từ lâu đời, nhân dân còn mở hàng chục bến đò ngang, tạo điều kiện giao thông vận tải, giao lưu giữa các vùng trong huyện.

 

Do địa thế sông núi hiểm trở nên Thanh Chương có vị trí chiến lược quan trọng về mặt quân sự. Người xưa đã đánh giá địa thế Thanh Chương là "tứ tắc" (ngăn lấp cả bốn mặt). Đồng thời, Thanh Chương với cảnh núi non trùng điệp, sông nước lượn quanh, tạo nên vẻ thơ mộng, “sơn thuỷ hữu tình”, đẹp như những bức tranh thuỷ mặc. Những thắng cảnh như thác Muối, vực Cối, rú Nguộc, ngọn Tháp Bút, dãy Giăng Màn… đã làm cho quang cảnh đất trời Thanh Chương thêm bội phần tươi đẹp. Người xưa đã từng ca ngợi: hình thế Thanh Chương đẹp nhất ở xứ Hữu Kỳ (vùng đất từ Quảng Trị ra Thanh Hoá).

 

Về giao thông vận tải: Ngoài đường thuỷ với hệ thống sông ngòi kể trên, Thanh Chương có đường Hồ Chí Minh dài 53 km chạy dọc theo hướng tây bắc - đông nam từ Thanh Đức tới Thanh Xuân qua 11 xã; đường quốc lộ 46 từ Thanh Khai đến Ngọc Sơn rồi chạy ngang qua Võ Liệt, cắt đường Hồ Chí Minh, tới cửa khẩu Thanh Thuỷ; đường 15 chạy từ Ngọc Sơn lên Thanh Hưng, theo hướng gần như song song với đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Thanh Chương còn có nhiều đường mòn qua Lào và các đường liên xã, liên thôn, thuận lợi cho sản xuất và giao lưu giữa các vùng nội huyện.

 

Khí hậu: Thanh Chương nằm trong vùng tiểu khí hậu Bắc Trung Bộ (nhiệt đới gió mùa), một năm có đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mùa hè có gió tây nam (gió Lào) rất nóng nực. Mùa thu thường mưa nhiều, kéo theo bão lụt. Mùa đông và mùa xuân có gió mùa đông bắc rét buốt. Khí hậu khắc nghiệt ở Thanh Chương có ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt của con người và cây trồng, vật nuôi. Mặc dù thời tiết khí hậu khắc nghiệt, gây khó khăn trong sản xuất và đời sống nhưng với tính cần cù, nhẫn nại, nhân dân Thanh Chương đã tạo ra được những sản vật đặc trưng của từng vùng.

 

Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện


Lịch làm việc
TRANG TRUYỀN HÌNH
  • Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số QG
1 
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1