Ngày 20 tháng 11 hàng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô – những người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục. Ngày Nhà giáo Việt Nam không chỉ đơn giản là một ngày lễ mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn, truyền thống, đạo lý "tôn sư trọng đạo".
”Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Lại nở cho đời
muôn vạn hoa thơm”
Các đồng chí Nguyễn Nam Đình- ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trình Văn Nhã- Chủ tịch UBND huyện tặng hoa chúc mừng tập thể giáo viên trường THPT Thanh Chương 3 nhân ngày 20/11/ 2024.
Dân tộc Việt Nam ta, từ xưa đã có truyền thống “Tôn
Sư, trọng Đạo”, nhắc đến vai trò của người thầy giáo (tên gọi chung cho thầy,
cô làm nghề dạy học). Vai trò của người “Thầy giáo” quan
trọng là vì thầy cô giáo không chỉ đơn thuần dạy cho học sinh hiểu biết tri
thức mà còn dạy các em “làm người”, và phải đưa các em đến với cái “chân -
thiện - mỹ” của cuộc đời bằng nhân cách của chính mình. Học với những
người Thầy dạy học bằng tất cả tâm huyết, người học không chỉ lĩnh hội được tri thức mà còn học được những điều hay, lẽ phải để
tự mình trau dồi, rèn luyện phẩm chất cá nhân và trở thành những con
người hữu ích
cho xã hội… Chính vì những đóng góp thiêng liêng đó mà ngày xưa, người thầy
luôn được xem trọng ở một vị trí chỉ sau vua và hơn cả cha mẹ: “Quân,
Sư, Phụ”. Ở xã
hội phong kiến xưa, khi người thầy qua đời, tất cả học trò phải để tang thầy.
Đó là một trong những việc làm mà học trò ngày xưa thể hiện sự tôn kính của
mình đối với người thầy dạy của mình. Có bao
giờ chúng ta ngẫm lại vị trí của người thầy ngày xưa và nghề dạy học trong xã
hội hiện đại văn minh ngày nay? Vì lý do gì mà ông cha ta đã truyền dạy “Tiên
học lễ, hậu học văn”. Ngày xưa, dạy cho học
sinh là dạy cái lễ (dạy về hành vi đạo đức, dạy hoàn
thiện nhân cách) trước rồi mới dạy cái chữ (dạy tri thức, dạy
hiểu biết)… Tức là dạy cho học trò trở thành người có cả Đức và Tài.
Thiết nghĩ, điều này sẽ vẫn còn đúng với việc dạy học ngày nay.
Đồng chí Trình Văn Nhã- Chủ tịch UBND huyện và đại diện thường trực HĐND, đại diện các phòng chuyên môn tặng hoa chúc mừng tập thể Phòng giáo dục nhân ngày 20/11/ 2024.
Chúng ta vẫn
hay nói “truyền chữ, dạy người” thực ra là một cách nói cho
vần, ta vẫn phải đặt việc “dạy lễ” lên hàng đầu trong
các trường học. Nhà trường hiện đại, văn minh với môi trường giáo dục lành mạnh
không thể chấp nhận cho người thầy yêu cầu học sinh lễ phép, kính trọng mình
trong khi mình cứ tùy tiện xưng hô “mày –tao”, “tao - chúng mày”…. với các em.
Và nhà trường càng không thể chấp nhận có những người thầy, người cô luôn luôn
yêu cầu học sinh phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, phải đối xử hoà nhã,
thương yêu, giúp đỡ bạn bè…nhưng chính thầy, cô lại có những hành vi không lịch
sự, không văn minh… tạo cho học sinh có những ấn tượng xấu về hình ảnh của
thầy, cô. Do đó, cuộc vận động của ngành giáo dục “trường ra trường, lớp ra
lớp, thầy ra thầy, trò ra trò” là cuộc vận động vô cùng có ý nghĩa. Nhà trường
phải làm cho thầy phải ra thầy, thì trò mới có thể ra trò…
Chúc mừng cô giáo nhân ngày 20/11.
Người thầy, người cô là những người
lái đò thầm lặng, đưa bao thế hệ học trò vượt qua dòng sông tri thức. Họ không
chỉ truyền đạt kiến thức mà còn góp phần hình thành nhân cách, giáo dục đạo
đức cho học sinh. Sự cống hiến và tâm huyết của thầy cô là nguồn lực lớn nhất,
giúp học sinh vươn lên trong học tập.
Trong bối cảnh xã hội ngày nay, nghề
giáo dục càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Giáo dục là “quốc sách hàng
đầu”, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước và người thầy là nhân tố quyết
định việc xây dựng và nâng cao chất lượng giáo dục. Nhân dịp 20-11, cùng nhau
tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô, tạo nguồn động lực để thầy cô
tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Trần Đình Hà