Nguyễn Ái Quốc tham gia đại hội Đảng Cộng Sản Pháp 1919. Ảnh Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh thuở nhỏ tên là Nguyễn
Sinh Cung, khi đi học lả Nguyễn Tất Thành, sau này hoạt động cách mạng lấy tên
Nguyễn Ái Quốc. Người sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà Nho yêu nước,
tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thời điểm này dân tộc Việt Nam
đang chìm đắm trong “đêm trường nô lệ”. Hàng loạt phong trào yêu nước theo
nhiều khuynh hướng khác nhau liên tiếp nổ ra nhưng rồi lần lượt thất bại do
thiếu đường lối cứu nước và tổ chức lãnh đạo đúng đắn. Trước bối cảnh đó, tháng
6/1911 Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc để đit ìm con đường cứu nước mới giải phóng
dân tộc. Năm 1920, Người tiếp cận được chủ nghĩa Mác – Lênin và đưa ra kết
luận: “muốn cứu nước không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô
sản”. Từ nhận thức đó, Người ra sức chuẩn bị mọi mặt để thành lập một chính
đảng vô sản ở Việt Nam. Công lao lớn đầu tiên của Người đối với đất nước ta là
đã tìm và lựa chọn được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Mùa Xuân năm
1930, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng và thông qua Cương lĩnh chính trị
đầu tiên.

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập.
Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng và bế
tắc kéo dài về đường lối chính trị và tổ chức lãnh đạo phong trào yêu nước Việt
Nam. Sự ra đời của Đảng khẳng định vai trò, trí tuệ và uy tín của Nguyễn Ái
Quốc, là cống hiến to lớn và đầy sáng tạo của Người. Dưới sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và rèn luyện, cách mạng Việt Nam vượt qua
muôn vàn khó khăn, thử thách và đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là
thắng lợi của Cách mạng tháng Tám với sự ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng
hoà. Tiếp đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp mà
đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã giải phóng hoàn toàn miền Bắc, vượt
qua cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng
chiến chống Mỹ cứu, thống nhất nước nhà, cả nước cùng bước vào một kỷ nguyên
mới. Không chỉ hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng
con người Việt Nam mà Người còn chăm lo
cho cuộc đấu tranh của nhân loại
tiến bộ, vì lương tri và phẩm giá con người, vì hòa bình trên thế giới
và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Chính vì vậy mà không chỉ nhân dân Việt Nam
kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhân dân thế giới cũng rất yêu quý Người, dành
cho Người những tình cảm trân trọng và tốt đẹp nhất. Do vậy, Người đã trở thành
vĩ nhân ghi đậm dấu ấn vào lịch sử nhân
loại.

Bác về thăm quê, ảnh tư liệu.
Với quê hương Nghệ An “nghĩa nặng
tình cao” dù bận rất nhiều công việc nhưng người đã hai lần về thăm quê vào năm
1957 và 1961. Trong những năm tháng cuối đời mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng Chủ
tịch Hồ Chí Minh luôn nghĩ về quê hương. Liên tục trong các ngày 22/7/1968 và
21/7/1969 Người đã gửi thư động viên “Nghệ An đánh Mỹ và vươn lên trở thành
tỉnh khá nhất của Miền Bắc”. Không phụ tấm lòng của Người các thế hệ cán bộ nhân
dân quê hương luôn khắc ghi thực hiện những mong ước của Bác. Để giúp
quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển trong giai đoạn đổi mới ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết
số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Sau
hơn 10 năm thực hiện, Nghệ An đang từng bước hướng tới là trung tâm của khu vực
Bắc Trung bộ về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục và đào tạo, khoa học
và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao. Ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 39 NQ/TW phấn đấu đến năm 2045, Nghệ An là tỉnh phát triển
nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hoá Việt
Nam và xứ Nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung
Bộ…

Bác Hồ làm việc tại nhà sàn.
Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ
tịch Hồ Chí Minh Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương đã có cuộc làm việc với
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và
một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Tổng Bí thư bày tỏ niềm vui mừng nhận thấy Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân
Nghệ An đang tiếp nối xứng đáng mạch nguồn lịch sử bằng những bước phát triển
toàn diện, vững chắc trên tất cả các lĩnh vực. Những kết quả này thể hiện rõ
tinh thần đoàn kết, thống nhất của hệ thống chính trị; sự quyết liệt, năng động
trong lãnh đạo, chỉ đạo; sự nỗ lực, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và các tầng
lớp Nhân dân trong tỉnh.
Sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng
ta khởi xướng, lãnh đạo đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với
sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt
Nam. Bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít
thách thức, khó khăn, nhất là tình trạng suy thoái của một bộ phận không nhỏ
cán bộ, đảng viên, là tệ quan liêu, tham nhũng, sống xa hoa, lãng phí. Chính
những việc làm không gương mẫu của số cán bộ, đảng viên này đã gây tác hại hết
sức to lớn, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ ta,
đồng thời tạo cơ hội tốt cho các thế lực thù địch của cách mạng Việt Nam thực
hiện việc kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Hơn lúc nào hết,
toàn Đảng, toàn dân ta phải quan tâm đầy đủ đến vấn đề đạo đức. Chính vì vậy từ
năm 2006 đến nay, Đảng ta đã phát động việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là biện pháp quan trọng để khắc phục sự
suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm lành
mạnh nền đạo đức xã hội, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền
vững. Thực hiện việc học tập và làm theo Bác mỗi người chúng ta lấy Bác làm tấm
gương để rèn luyện bản thân ngày càng tốt hơn, đưa xã hội Việt Nam, đất nước
ngày càng đi lên, tiến bộ.
Học
Bác là phải giữ gìn phẩm chất chính trị, kiên định lý tưởng cách mạng, con
đường cách mạng, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tuyệt
đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; tinh thần lạc quan tin
tưởng, phẩm chất kiên cường, bất khuất.
Đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, ngày 15/5/2025.
Học
Bác là học về đạo đức cách mạng trong sáng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô
tư, học về tư cách người cách mạng, đặc biệt là đấu tranh chống chủ nghĩa cá
nhân - kẻ thù ở trong mỗi con người. Học Bác là học phong cách, lối sống giản
dị, khiêm tốn, thanh bạch, gần dân, không quan liêu, quan cách, từ ăn, mặc, ở,
đi lại, làm việc. Học Bác là học suốt đời, học hằng ngày, thiết thực, thiết
thân. Học Bác là việc làm tự giác, nói đi đôi với làm, học để làm theo, làm
theo rồi lại học, lại bổ sung, thường xuyên liên tục.
Học
Bác bằng nhiều hình thức, phong phú, sinh động, qua sách báo, ở trường, lớp;
qua thực tiễn công việc, trường đời; qua sinh hoạt chi bộ đảng, đoàn thể, ở cơ
quan, trong gia đình; tự phê bình và phê bình; qua tọa đàm, trao đổi kinh
nghiệm; qua phong trào thi đua người tốt, việc tốt, nêu gương những điển hình
tiên tiến, phê phán những việc làm xấu, tiêu cực... Học Bác qua các hình thức
sinh hoạt tập thể như: chào cờ đầu tuần, tham quan du lịch về nguồn, di tích
lịch sử... Rất nhiều hình thức, nhiều con đường. Điều quan trọng là mỗi chúng
ta có thực sự muốn học tập và làm theo Bác hay không, lòng chúng ta có trong
sáng không…
Chặng đường phát triển đi lên của đất nước từ ngày có Đảng càng
khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng
Việt Nam. Làm theo tấm gương của Bác, trong suốt 95 năm qua hàng triệu cán bộ,
đảng viên và nhân dân ta đã không quản ngại gian khổ, khó khăn “giàu sang không
khuất phục, uy vũ chẳng chuyển lay” để thực sự làm nên những tấm gương sáng vì
nước quên thân, vì dân phục vụ. Hồ Chí Minh là một vĩ nhân, một con người xưa
nay hiếm, không ai có thể học và làm theo để được như Người nhưng trong rất nhiều biểu hiện, nhiều mặt của
tấm gương đạo đức, phong cách của Bác mỗi người có thể học tập và làm theo.
Càng kính yêu và làm theo Bác chúng ta sẽ thấy lòng mình trong sáng hơn.
Thời gian càng lùi
xa, chúng ta càng nhận rõ tính nhân văn và sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2025) Đảng, Nhà nước
và tỉnh nhà đã và đang tổ chức rất nhiều hoạt động thiết thực ý nghĩa. Đó là
Liên hoan tiếng hát Làng Sen toàn quốc, Lễ cắt băng khánh thành tượng “Bác Hồ
về thăm quê” tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên…với sự tham dự của đồng
chí Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các tỉnh bạn và các đồng chí lãnh đạo, cán bộ
nhân dân trong tỉnh.
Nhớ
Bác “lòng ta trong sáng hơn” chúng ta nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách của Người: tuyệt đối trung thành với lợi ích của dân tộc và
giai cấp, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã
hội. Tiếp tục phát huy cao độ truyền thống yêu nước, đoàn kết, tinh thần tự
lực, tự cường phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh
thần Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đưa đất
nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”như Bác Hồ hằng mong muốn.
Trần Đình Hà