08/04/2022
Lịch sử, ý nghĩa ngày giỗ tổ Hùng Vương.
Lượt xem: 1609
Ngày 10/ 4 /2022 tức ngày 10/ 3 năm Nhâm Dần tới đây cả nước sẽ giỗ tổ Hùng Vương, nhân dịp này chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về lịch sử và ý nghĩa của ngày giỗ tổ. Theo lịch sử: Thời đại Hùng Vương là thời đại mở đầu dựng nước, xây dựng lên nền móng của đất nước Việt Nam ngày nay.
Trong truyền thuyết còn lưu truyền những câu chuyện sinh động về việc Vua Hùng dạy dân làm ruộng, trồng lúa nước, Vua tôi cùng nhau săn bắn xẻ thịt thú rừng, thui trên dàn lửa, ăn uống vui vẻ không phân biệt sang hèn, chuyện Vua Hùng thứ 6 cầu người hiền tài giúp nước - kể về Thánh Gióng đánh giặc Ân và Lang Liêu dâng bánh chưng bánh dày. Những chuyện kể dân gian còn lưu truyền đến ngày nay cho chúng ta thấy, một thời kỳ văn minh trong buổi đầu dựng nước của dân tộc. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đến thời đại Hồ Chí Minh chúng ta đã từng bước phát hiện ra những di chỉ khảo cổ học để chứng minh thời đại Hùng Vương là có thật trong lịch sử - là bước tiếp nối quá trình phát triển của lịch sử hình thành con người trên đất nước Việt Nam. Chúng ta không những tự hào vì co một thời đại mở đầu dựng nước, mà còn tự hào hơn vì Việt Nam là một trong những quê hương phát tích của loài người. Những chứng tích tìm thấy về thời đại đồ đá ở Thanh Hoá, Hoà Bình, Lạng Sơn đến Sơn Vi, Lâm Thao, cho chúng ta thấy cả quá trình phát triển của con người nguyên thuỷ trên đất nước Việt Nam từ thời đồ đá cũ sang đồ đá mới và tiếp theo con người tiến bộ hơn đã phát hiện ra đồ đồng và đồ sắt qua những di chỉ khảo cổ ở Phùng Nguyên, Gò Mun (Lâm Thao), xóm Rền Gia Thanh - (Phù Ninh) và đặc biệt là ở làng Cả, Thanh Đình (Việt Trì)...
Thời đại Hùng Vương là bước tiếp nối của thời kỳ thị tộc, bộ lạc sang thời kỳ có sự phân hóa giai cấp và xuất hiện nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Cho đến nay chúng ta chưa thể xác định chính xác thời đại Hùng Vương tồn tại bao nhiêu năm. Theo ngọc phả Hùng Vương còn lưu truyền đến ngày nay thì 18 đời Hùng Vương kéo dài trên 2000 năm. Còn một số nhà sử học dự đoán thời đại Hùng Vương tồn tại từ thế kỷ thứ 7 trước công nguyên đến năm 258 trước công nguyên.
Để tôn vinh thời đại mở đầu dựng nước của dân tộc Việt Nam, cha ông ta từ lâu đã xây dựng lên các đền đài thờ tự các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh. Hàng ngàn năm qua đã quan tâm đầu tư tu bổ tôn tạo các ngôi đền thờ Vua Hùng và xây dựng thêm các ngôi đền mới để thờ tự các bậc tiền nhân có công dựng nước và tổ chức ngày giỗ giọi là giỗ tổ.
Lễ hội đền Hùng (ảnh intenet)
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hoặc Lễ hội Đền Hùng là ngày hội truyền thống của Người Việt tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia . Ngày 6/12/2012, UNESCO cũng đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghi thức giã gạo tại Lễ hội đền Hùng (Nguồn Internet)
Trước ngày 10/3 năm nay Ban tuyên giáo Huyện ủy cũng đã có Công văn số 188- CV/BTGHU yêu cầu Phòng văn hóa, thông tin, Trung tâm VH, TT&TT, các địa phương đơn vị trên địa bàn tổ chức tuyên truyền sâu đậm về truyền thống dựng nước và giữ nước; các giá trị truyền thống về lịch sử văn hóa của dân tộc; vai trò sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; không khí phấn khởi tin tưởng thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng các cấp xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp, văn minh. Đây là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa.
Đình Hà - Trung tâm VH, TT&TT Thanh Chương