Nguyễn Cảnh Chân sinh năm 1355 trong
một gia tộc họ Nguyễn, có nguồn gốc từ vùng Đông Triều – Quảng Ninh. Thân
sinh của ông là Kim ngô vệ Đại tướng quân Nguyễn Đa Phương Anh hùng dân tộc
thời hậu Trần. Các bậc tiên liệt và tiền bối của ông có truyền thống “Trung cần
- Nhân nghĩa – Bảo quốc – Hộ dân” trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ
nước, nhiều người trở thành danh thần và đại thần khai quốc dưới các triều đại
Đinh- Lê- Lý- Trần.
Năm Giáp Tý (1384) Nguyễn Cảnh Chân đậu Tiến sỹ, khoa thi Thái học sinh
dưới triều Vua Trần Phế Đế – niên hiệu Xương Phù thứ 8 và được bổ làm quan
trong Khu mật viện (Viện cơ mật).
Năm Mậu Dần (1398) vua Trần Thuận Tông
Hoàng đế phái cử Nguyễn Cảnh Chân vào Nam làm An phủ sứ Hóa Châu (gồm các vùng
Bình Trị Thiên Huế). Ông đến làng Ngọc Sơn, Nam Đường (thuộc Phủ Nghệ An), xứ
Hoan Châu cư trú và lập căn cứ, chiêu tập lực lượng, chế tạo binh khí và huấn
luyện dân binh... cùng với Đặng Tất (người Tả Thiên Lộc – Can Lộc) đang làm
Châu phán Hóa Châu (Đặng Tất là thổ quan vùng Hóa Châu) chống lại quân Chiêm
Thành và giặc nhà Minh. Từ đó về sau, Nguyễn Cảnh Chân cùng Đặng Tất tham gia
nhiều trận đánh với quân Chiêm Thành và giặc nhà Minh dành thắng lợi, gây được
uy tín và tạo ảnh hưởng lớn trong vùng. Hai ông cũng từ đó mà trở thành bạn bè
chiến hữu, thân thuộc. Sau khi cướp ngôi nhà Trần lập nên nhà Hồ năm
1400, năm 1402, Hồ Hán Thương đem đại quân đi đánh Chiêm
Thành. Vua Chiêm sợ, cử sứ giả dâng nộp đất Chiêm Động (tỉnh Quảng Nam), Cổ Lũy
(tỉnh Quảng Ngãi) để cầu hòa. Để củng cố và thống nhất hai vùng đất vừa chiếm
của Chiêm Thành, Hồ Quý Ly chia
đất ấy thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và đặt thành lộ Thăng Hoa, điều An Phủ sứ lộ Thuận Hóa là
Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa. Ông là quan chức Đại Việt đầu tiên
trấn trị vùng đất Thăng Hoa
Năm
1406, Trần Thiêm Bình mạo xưng là con cháu Nhà Trần,
sang tố cáo với Nhà Minh việc nhà Hồ đoạt ngôi nhà Trần. Minh Thành Tổ (Chu Đệ) sai quân đưa Trần
Thiêm Bình về nước. Hồ Hán Thương sai Nguyễn Cảnh Chân dâng tờ biểu "tạ
tội" với nhà Minh và xin đón Thiêm Bình về tôn lên làm chúa. Tuy nhiên,
tháng 4 năm 1406, khi quân Minh đưa Thiêm Bình trở về, Hồ Hán Thương sai quân
đón đánh, bắt được Thiêm Bình mang về chém chết.
Tháng 11
năm 1407, tôn thất nhà Trần là Trần Ngỗi xưng đế ở Mô Độ (Ninh Bình),
tức là Giản Định đế lập ra nhà Hậu Trần khởi binh chống quân Minh. Giản
Định Đế phong Đặng Tất làm quốc công, Nguyễn Cảnh Chân làm Đồng Tri khu mật
tham mưu quân sự và liên tục chiến thắng quân Minh nhiều trận lớn. Giản Định Đế
muốn thừa cơ đánh ngay vào lấy Đông Quan, nhưng Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân
đều có chủ trương đánh xong số quân địch còn sót lại rồi mới tiến đánh Đông
Quan.
Do bất đồng
về sách lược, vua Giản Định không bằng lòng với ông và Đặng Tất. Tháng 3 năm
1409 vua Giản Định đóng ở Hoàng Giang, nội nhân là Nguyễn Quỹ cùng học sinh
Nguyễn Mộng Trang mật tâu rằng "Tham mưu Nguyễn Cảnh Chân và Quốc công
Đặng Tất chuyên quyền bổ dụng người này và cách chức người khác, nếu liệu không
tính sớm sau này khó lòng kiềm chế được". Nghe theo lời gièm pha, vua Giản
Định sợ uy tín của hai người quá cao, lại nghi ngờ hai tướng "có ý
khác" vì hai người từng làm quan nhà Hồ nên sai triệu hai tướng đến rồi
sai võ sĩ bóp cổ giết chết Đặng Tất. Nguyễn Cảnh Chân chạy lên bờ cũng bị đuổi
theo chém chết. Nguyễn Cảnh Chân
mất ngày 15 tháng 02 năm Kỷ Sửu (1409) hưởng thọ 54 tuổi. Quốc sử quán
triều Nguyễn viết: "Đương lúc điên bái lưu ly, vua tôi cùng lòng cùng
sức với nhau, còn e rằng không làm nổi công việc, thế mà tự tàn hại lẫn nhau,
làm mất cả tay chân, như thế, tránh sao khỏi bại vong được ? Sử thần
Ngô Sĩ Liên nói: "Vua may thoát khỏi vòng vây hãm nguy hiểm, được cha
con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Cảnh Chân giỏi tài mưu lược, đủ để lập
được công khôi phục, dựng được nghiệp trung hưng. Thế mà nghe lời gièm pha ly
gián của bọn hoạn quan, một lúc giết hại hai người bề tôi phò tá mình, thì làm
sao nên việc được!
Hai người con hai ông là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Di bất bình vì cha bị giết
oan, bỏ đi và lập Trần Quý Khoáng làm vua Trùng Quang Đế tiếp tục đánh đuổi quân minh. Trong trận chiến quyết liệt ở Ái Tử,
quân nhà Trần quá ít, bọn giặc Minh quá đông đã vây hãm quân nhà Trần trong
nhiều ngày. Trương Phụ đã bắt được Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung. Chúng dùng mọi
cực hình và mua chuộc, với khí tiết anh hùng Nguyễn Cảnh Dị đã liên tục chửi
mắng vào mặt Trương Phụ: “Ta định giết mày, nào ngờ mày lại bắt
được ta”, chửi Trương Phụ không ngớt lời, Trương Phụ giết chết Nguyễn Cảnh
Dị (mổ bụng ăn gan) để trả thù. Quân Hậu Trần mất đi hai tướng giỏi, thế lực
dần dần suy yếu và cuối cùng bị quân Minh đánh bại hoàn toàn năm 1413.
Hai người con của Đại tướng quân Nguyễn Cảnh Dị là Nguyễn Tuấn
Thiện sinh năm Tân Tỵ (1401) và Nguyễn Tuấn Kiệt đã cùng mẹ chạy về trú ẩn tại
làng Phúc Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Cha con Nguyễn Cảnh Lữ và Nguyễn Cảnh
Luật cũng chạy qua đất Hương Sơn lánh nạn cùng với anh em họ hàng tại đây. Lúc
bấy giờ giặc Minh, ngụy Minh nổi lên khắp nơi, nạn trộm cướp hoành hành, Nguyễn
Tuấn Thiện vận động trai tráng trong làng thành lập đội quân Cốc Sơn để giúp
bảo vệ dân làng và tiếp tục chống quân Minh. Kể từ khi ra đời, đội quân Cốc Sơn
hoàn toàn làm chủ vùng Hương Sơn- Hà Tĩnh, nhân dân có cuộc sống tương đối yên
lành, uy tín và tiếng tăm của thủ lĩnh Nguyễn Tuấn Thiện ngày càng tăng cao.
Năm Mậu Tuất (1418) Lê Lợi chính thức dấy binh khởi nghĩa
Lam Sơn. Năm Ất Tỵ (1425) sau khi nghe lời khuyên của các công thần, Lê Lợi dẫn
quân về đất Hương Sơn gặp Nguyễn Tuấn Thiện và thu nạp đội quân Cốc Sơn, cắt
tóc kết nghĩa, giết ngựa trắng ăn thề dưới gốc cây thị ở xóm Nậy (thuộc xã Sơn
Phúc) nguyện một lòng giết giặc cứu nước. Kể từ đó về sau, anh em Nguyễn Tuấn
Thiện trở thành tướng giỏi dưới triều vua Lê Thái Tổ, được vua Lê ban quốc tính
“Lê Thiện”. Người dân địa phương ở nơi đây vẫn lưu truyền những câu thơ: “Cắt
tóc giết ngựa trắng - Dưới gốc thị thề nguyền - Nguyện đồng tâm đồng chí - Phá
giặc xây cơ đồ”. Lịch sử chỉ lưu danh Nguyễn Tuấn Thiện (Lê Thiện) còn
gia đình anh em, chú bác không chép, gia phổ thất truyền, phần mộ và đền thờ
ông tại Hương Sơn – Hà Tĩnh được Nhà nước cấp chứng nhận Di tích Lịch sử Quốc
gia năm 1991.
Năm
Mậu Thân (1428), sau khi đánh xong giặc Minh, Lê Lợi chính thức lên ngôi
vua đã truy phong cho hai danh thần
Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất biển vàng tám chữ “Tiết liệt cương
trung – Trung thần hiếu tử”; phong Nguyễn Cảnh Chân chức “Tổng
Tham mưu quân sự”, Đặng Tất chức “Đại quốc công”, Thái
Bảo Nguyễn Cảnh Dị chức “Thụy Quốc Công”, còn Đặng Dung chức “Đồng bình Chương sự” nhằm
ghi nhớ công lao to lớn của các ông. Đến triều vua Lê Thánh Tông (1442-1497)
ban chiếu truy tặng Đặng Tất &và Nguyễn Cảnh Chân câu cảo "Quốc
sỹ vô song, song quốc sỹ - Anh hùng bất nhị, nhị anh hùng".
Toàn cảnh Đền Hữu - Di tích lịch sử cấp quốc gia- nơi thờ Nguyễn Cảnh Chân- Nguyễn Cảnh Dị tại xã Thanh Yên (Thanh Chương)
Sau
khi Lê Lợi bình định xong giặc Minh (1428), các vùng từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa
cơ bản được giải phóng, cha con Nguyễn Cảnh Lữ mới quay về làng Ngọc Sơn (đất
cha) sau nhiều năm lánh nạn trên đất Hương Sơn – Hà Tĩnh (khoảng 14 năm từ 1414
đến 1428). Năm Canh Tuất (1430) nhân dịp vua Lê Thái Tổ hạ chiếu truyền đi các
lộ, phủ, huyện...làm hộ tịch cho dân, cha con Nguyễn Cảnh Lữ chính thức khai
khẩu nhập tịch vào làng Ngọc Sơn – huyện Nam Đường – xứ Hoan Châu lấy tên là
“Nguyễn Lữ” và “Nguyễn Luật”. Hai cha con ông tiếp tục hành nghề chèo đò, châm
cứu và bốc thuốc chữa bệnh tại đây. Nguyễn Cảnh Lữ mất không lưu truyền được
ngày-tháng-năm và nơi an táng huyệt mộ. Riêng Nguyễn Cảnh Luật trên đường đi
châm cứu chữa bệnh bị hổ vồ chết bất đắc kỳ tử, nhưng không ăn thịt mà bới đất
táng ông tại eo Chó Đẻ (phần Mộ thuộc làng Ngọc Sơn – Thanh Chương). Các ông là
tiên tổ dòng họ Nguyễn Cảnh của Thanh Chương
và Nghệ An.
Đại
tướng Anh hùng dân tộc Nguyễn Cảnh Chân và Nguyễn Cảnh Dị là bậc Công thần khai
quốc thời hậu Trần đã tiếp nối truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của
các thế hệ cha anh, có đóng góp to lớn trong lịch sử dân tộc. Ông là Thủy tổ
dòng tộc họ Nguyễn Cảnh trên đất Nghệ An. Về sau, con cháu hậu duệ của ông đã
nối nghiệp nhà binh từ các bậc tiên liệt, có nhiều người nổi danh được các
triều đại nhà Hậu Lê và Lê Trung Hưng tôn vinh: Gồm 18 Quận Công, 76 tước Hầu,
nhiều tước bá và tước hiệu, tiêu biểu cho bốn lớp trung cần, năm đời nhân nghĩa
có: Phúc Khánh Quận công Nguyễn Cảnh Huy và con cháu của ông như: Phấn Võ hầu
Nguyễn Cảnh Noãn; Binh bộ Thượng thư Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan;
Trung Quận công Nguyễn Cảnh Hân; Cường Quận công Nguyễn Cảnh Vạn; Lập Quận công
Nguyễn Cảnh Chiêu; Thái bảo Tả tư không Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên; Tả tư
mã Thắng Quận công Nguyễn Cảnh Hà; Tả Đô đốc Liêu Quận công Nguyễn Cảnh Quế... Dòng
họ của ông nổi tiếng trâm anh, danh gia vọng tộc, xứng đáng với lời vịnh lưu
truyền ”Cao tiền tổ khảo dị lai, Thập bát Quận Công tam Tể tướng
– Đinh Lý Trần Lê dị hậu, Bách dư Tiến sỹ thất khôi nguyên”.
Cận cảnh đền Hữu.
Đến
thời đại Hồ Chí Minh có các ông: Nguyễn Cảnh Dinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy lợi
và Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Cảnh Toàn - Giáo sư Toán
học, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo; Nguyễn Song Tùng - nguyên Thứ
trưởng Bộ Lao động; Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền, nguyên phó Tư lệnh Bộ đội
Biên phòng Việt Nam...
Để
ghi nhớ công lao to lớn của hai danh tướng Anh hùng dân tộc Nguyễn Cảnh Chân và
Nguyễn Cảnh Dị hiện nhiều nơi có di tích, đền thờ các ông và con cháu Nguyễn
Cảnh gồm: Nghệ An, Hải Hưng, Hải Dương và Hải Phong. Riêng Nghệ An có 91 di
tích, tại huyện Thanh Chương có 23 di tích, trong đó nhiều di tích được xếp
hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh. Hai ông
được phối thờ tại Đền Hữu – một di tích được xếp hạng cấp Quốc gia ở xã Thanh
Yên. Hầu hết các thành phố trong cả nước đều có đường phố mang tên các ông. Đặc
biệt gần Quảng trường Ba Đình - Hà Nội có phố Nguyễn Cảnh Chân từ thời Pháp
thuộc, phố Nguyễn Cảnh Dị tại Khu đô thị Đại Kim – Quận Hoàng Mai - Hà Nội.
Trên chính quê hương ông đều có tên đường và Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân.
Trần Đình Hà (Sưu tầm và biên soạn)