ĐĂNG NHẬP  
image banner
       
Thanh Chương: Xã Thanh Chi long trọng tổ chức kỷ niệm 150 năm khởi nghĩa Giáp Tuất.
Lượt xem: 563

Sáng ngày 25/4/2024, Đảng ủy – UBND xã Thanh Chi cùng dòng họ Trần Đức thôn Chi Hồng long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm khởi nghĩa Giáp Tuất (1874 - 2024) tại rú Đài, nơi gắn liền với hệ thống di tích Quốc gia Mộ, Nền Tế cờ, khuôn viên bãi tập của nghĩa quân Trần Tấn. Về dự có các đồng chí lãnh đạo chủ chốt huyện Thanh Chương, Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và bảo tồn di sản Quốc gia tỉnh Nghệ an; đại diện họ Trần Việt Nam tỉnh Nghệ An, các ban, phòng, ngành của huyện, cấp ủy chính quyền địa phương cùng toàn thể bà con nhân dân và con cháu Nội, Ngoại họ Trần Đức.

Anh-tin-bai

Di tích Nền tế cờ và mộ Trần Tấn trên núi Đài Sơn.

Anh-tin-bai

Các đại biểu về tham dự lễ.

Ngược dòng lịch sử: Từ năm 1864-1874, thực dân Pháp đẩy mạnh bình định nước ta. Nhiều sỹ phu yêu nước cùng nhân dân toàn quốc rất căm ghét giặc Tây và sẵn sàng đứng dậy chống giặc, cứu nước. Nhưng triều đình nhà Nguyễn bạc nhược, nhục nhã đầu hàng và cố tình ngăn chặn những cuộc nổi dậy chống Pháp. Vì vậy, ở Nghệ - Tĩnh, các tầng lớp nhân dân càng căm thù thực dân Pháp, đồng thời có phản ứng mạnh mẽ đối với thái độ đầu hàng của triều Nguyễn. Trong bối cảnh đó, Trần Tấn đã thảo hịch "Bình Tây sát tả" kêu gọi binh sĩ và nhân dân đứng lên khởi nghĩa.Thanh Chương rồi đến Nam Đàn và các huyện khác nhân dân nô nức hưởng ứng. Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là những sỹ phu tâm huyết, nhiệt tình yêu nước và được nhân dân trong vùng tôn kính như Trần Tấn, Đặng Như Mai, Nguyễn Huy Điển, Trần Quang Cán, Trương Quang Thủ,… Trong tất cả người chỉ huy tối cao, người khởi xướng và có vai trò lớn nhất là sỹ phu Trần Tấn.

Anh-tin-bai

Ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi lễ.

Đầu năm 1874, Trần Tấn và Đặng Như Mai - học trò của ông thực hiện cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp và triều đình Huế, còn được biết đến là cuộc khởi nghĩa năm Giáp Tuất. Cuộc khởi nghĩa đã làm cho thực dân Pháp và Nam Triều nhiều phen thất điên bát đảo. Thực dân Pháp và tay sai phải tập trung toàn lực để đối phó với nghĩa quân Trần Tấn. Chúng treo thưởng 400 lạng bạc và chức quan chánh phẩm cho ai giết hoặc bắt được “giặc Mai, giặc Tấn”.

Tháng 9/1874, Trần Tấn phải vượt biên rút về Cam Môn (nay thuộc tỉnh Khăm Muộn của Lào), ít lâu sau bị ốm và mất ở đó. Con ông là Trần Hướng tiếp tục kháng chiến, nhưng bị bọn tổng lý xã Hữu Bằng (nay là xã Sơn Bằng) huyện Hương Sơn bắt nộp cho Pháp. Còn Đặng Như Mai lên chiếm Phủ Quỳ lập căn cứ, cũng bị nội gián bắt giao cho Triều đình. Cuối năm 1874, cả Trần Hướng và Đặng Như Mai đều bị xử tử, chém bêu đầu tại Thành Vinh.Vào cuối năm 1874, khởi nghĩa do Trần Tấn khởi xướng và lãnh đạo bị dập tắt.

Mặc dù thất bại, song cuộc khởi nghĩa có ý nghĩa rất to lớn, đặc biệt là mở đầu sự nghiệp đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp và để lại những bài học sâu sắc cho các phong trào cách mạng về sau. Lãnh tụ nghĩa quân Trần Tấn đã nêu cao chí khí anh hùng, chiến đấu ngoan cường cho đến hơi thở cuối cùng. Ông mãi mãi được nhân dân Nghệ Tĩnh và nhân dân cả nước ngưỡng mộ và tôn kính, xứng đáng là Danh nhân lịch sử của dân tộc và quê hương.

Anh-tin-bai

Ông Nguyễn Đức Kiếm - Chủ tịch Hội đồng kho học - Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Quốc gia phát biểu tại buổi lễ.

Với những chiến công hiển hách đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, năm 2002, Bộ VH,TT&DL đã có Quyết định xếp hạng Di tích cấp lịch sử cấp Quốc Gia "Mộ, Nhà thờ Trần Tấn và nền tế cờ". Tên ông đã được đặt tên cho những con đường ở Thành Phố Vinh, Hà Tĩnh, Thành Phố Hồ Chí Minh, và ở Thị Trấn Thanh Chương nơi quê hương Ông.

Kể từ khi được nhà nước xếp hạng Di tích cấp Quốc Gia, cụm di tích đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục công trình. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ phối hợp với dòng họ xây dựng kế hoạch phát huy tối đa giá trị di sản, di tích quốc gia Trần Tấn.

Ngày nay, các thế hệ con em quê hương Thanh Chi nói chung và họ Trần nói riêng vô cùng tự hào và nêu gương các bậc tiền bối, viết tiếp những trang sử vẻ vang, làm rạng rỡ thêm lịch sử đất và người Thanh Chi. Ngay từ những ngày đầu của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, hàng chục người con ưu tú của dòng họ Trần Đức đã đứng vào hàng ngũ của Đảng, trong đó có những người đã anh dũng hy sinh cho Cách mạng. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dòng họ Trần Đức đã có nhiều người con xung phong vào Bộ Đội, Thanh Niên xung phong, dân công hỏa tuyến, chiến đấu và phục vụ chiến đấu và trong đó đã có 9 Liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường, nhiều Thương, bệnh binh đã đóng góp một phần xương máu cho cách mạng, tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang của dòng họ và dân tộc Việt Nam. Nhiều người là Lão thành cách mạng, Tiền khởi nghĩa, Thầy thuốc ưu tú, Giáo sư, Tiến sỹ, cán bộ giảng dạy đại học…

Anh-tin-bai

Thanh kiếm cổ, là vũ khí của nghĩa quân Trần Tấn được ông Nguyễn Văn Diện hiến tặng cho dòng họ và di tích.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Văn Diện là người con quê hương Thanh Chi đã trao lại bảo vật thanh kiếm được Trung tâm Lịch sử và bảo tồn di sản Quốc gia xác nhận là binh khí thời kỳ nhà Nguyễn, được tìm thấy tại bến Gành nơi vận chuyển kho vũ khí của nghĩa quân Trần Tấn, để bổ sung vào hệ thống di vật của di tích Quốc gia Trần Tấn, đồng thời đại diện dòng họ Trần Việt Nam tại Nghệ An đã trao gia huy, linh vật họ Trần, trao quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

 

Thành Trung – Trung tâm VH, TT&TT huyện Thanh Chương.

 
12345678910...
Tin tức
  • Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số QG
1