Thanh Thịnh: Mô hình tổ viên sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thanh Thịnh là 1 xã thuộc khu vực 2 nông thôn, có nền kinh tế phát triển chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Trong những năm vừa qua được thụ hưởng các chương trình vốn vay chính sách ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội nên nền kinh tế xã nhà cũng đã có nhiều bước khởi sắc, nhiều gia đình đã vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, trở thành những gia đình có thu nhập khá giả.
Đến thời điểm hiện tại xã Thanh Thịnh có tổng dư nợ từ nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội là 21,8 tỷ đồng trong đó không có nợ quá hạn, số dư tiết kiệm hơn 1,3 tỉ đồng. Trong đó tổ chức Đoàn thanh niên quản lý 2 tổ với tổng dư nợ hơn 4,02 tỷ đồng. Cơ bản các hộ vay thực hiện tốt phương án sử dụng vốn vay và đóng tiền lãi, trả tiền gốc theo đúng quy định.
Điển hình có hộ chị Nguyễn Thị Thuỷ, là một tổ viên của tổ TK&VV thuộc tổ chức Đoàn thanh niên quản lý. Bản thân chị luôn xác định vai trò của mình trong việc đóng góp xây dựng phong trào hoạt động của tổ, phong trào chung của xã nhà. Khi nắm được chủ trương tuyên truyền vận động bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm vượt qua hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn từ nguồn vốn hộ cận nghèo của ngân hàng chính sách xã hội. Chị đã vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn này nhằm mục đích chăn nuôi Dê và trâu để chăn nuôi phát triển đàn. Từ việc được hỗ trợ vốn vay, được tham gia các lớp tập huấn khoa học, kỹ thuật, tận dụng nguồn thức ăn từ sản xuất nông nghiệp và sự cần cù chịu khó của gia đình nên việc phát triển đàn trâu, dê sinh sản gặp rất nhiều thuận lợi. Hiện tại gia đình đang có 2 con trâu, 50 con dê. 1 con bò và 30 con lợn thịt. Riêng năm 2022 thu nhập từ chăn nuôi trâu, dê của gia đình là trên 170 triệu đồng. Để chăn nuôi được phát triển tốt, gia đình chị đã đầu tư trồng 2 sào cỏ sữa, 6 sào ngô để phục vụ cho chăn nuôi.

Tổ chức hội quản lý kiểm tra mục đích sử dụng nguồn vốn của tổ viên
Chị Thuỷ cắt cỏ cho trâu, dê
Bên cạnh đó gia đình chị đã chuyển đổi gần 4 sào diện tích vườn đồi từ trồng keo sang trồng sắn phục vụ chăn nuôi. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, gia đình chị cũng thường xuyên tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt hội, sinh hoạt xóm, vừa để nghỉ ngơi, vừa để nắm bắt các Chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước, các chương trình, kế hoạch của hội. Thường xuyên đi đầu trong các phong trào và các cuộc vận động, để có được cuộc sống như ngày hôm nay cũng như nhiều hộ vay khác vô cùng cảm ơn chính quyền địa phương, các tổ chức hội đã luôn giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất về nguồn lực như hỗ trợ giống, phân bón, kiến thức khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trong thời gian vừa qua các tổ chức hội trên địa bàn xã Thanh Thịnh đã phát huy tốt vai trò của đoàn thể thực hiện uỷ thác và tham gia quản lý nguồn vốn ưu đãi, đồng hành cùng với đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể còn chủ động phối hợp với NHCSXH và các ban, ngành trên địa bàn tích cực tuyên truyền vận động, phổ biến chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước, thường xuyên củng cố, chấn chỉnh hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn, khuyến khích hội viên sử dụng vốn vay ưu đãi vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp tại địa phương.
Nguyễn Văn Thường - Bí thư đoàn xã Thanh Thịnh