Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân: Dạy ôn tập miễn phí – hành động nhân văn sâu sắc.
Trường
THPT Nguyễn Cảnh Chân tiền thân là trường THPT Bán công Thanh Chương được thành
lập năm 1999. Sau nhiều khó khăn từ ngày được chuyển sang công lập nhà trường
đã không ngừng vươn lên về mọi mặt. Hiện tại trường có 65 cán bộ, giáo
viên, 1081 học sinh, trong đó khối 12 có
342em.
Theo thầy giáo Thạc sỹ Lê Hải Nam – P. Hiệu
trưởng nhà trường cho biết: thực hiện việc dạy thêm, học thêm là để nâng cao
chất lượng, trong những năm vừa qua, công tác ôn thi tốt nghiệp ở trường được
tổ chức một cách bài bản, khoa học và có sự quản lý chặt chẽ. Hàng năm, giáo
viên nhà trường thực hiện hơn 300 buổi dạy ôn thi cho học sinh chưa đảm bảo
chuẩn đầu ra ở khối 12. Nhờ vậy mà điểm thi tốt nghiệp hàng năm của nhà trường
luôn nằm trên mức trung bình chung của tỉnh và của toàn quốc; vị thứ nhà trường
nằm trong khoảng từ 24 đến 30 trên tổng số 90 trường của tỉnh Nghệ An (trong
khi điểm trung bình đầu vào của nhà trường thường nằm vị thứ 50 đến 55 trong tỉnh).
Riêng trong năm nay số học sinh giỏi cần bồi dưỡng là 50 em (lớp 10, 11); số
học sinh lớp 12 có học lực yếu cần phụ đạo là 286 lượt em (có nhiều em cần phụ
đạo nhiều môn).
Toàn cảnh trường THPT Nguyễn Cảnh Chân.
Trong
bối cảnh nhu cầu ôn luyện là rất cần thiết nhưng lại phải nghiêm túc thực hiện
Thông tư 29 của Bộ Giáo dục, Thầy giáo, Thạc sỹ Nguyễn Văn Thuần- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Thông tư 29
của Bộ Giáo dục là hoàn toàn đúng đắn, hợp lý. Tuy nhiên khi triển khai vào
thực tế phải đối mặt với nhiều khó khăn: Nhiều học sinh cần được bồi dưỡng để
thi đánh giá năng lực, cần được học để có điểm cao khi xét tuyển vào các trường
đại học uy tín; Học sinh lớp 12 cần được ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi cuối
cấp; Nhiều học sinh yếu kém cần được phụ đạo để đủ khả năng vượt qua các kỳ
thi; đảm bảo cam kết đầu ra mà nhà trường đã cam kết nên nhu cầu dạy ôn tập vẫn
rất cần thiết”
Năm
học này, với mục tiêu đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường, không để học
sinh phải tụt lại phía sau, không để học sinh cuối cấp gặp khó khăn khi bước
vào kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Thực hiện Thông tư 29 nhà trường đã xây dựng và
thực hiện kế hoạch dạy ôn tập không thu phí cho học sinh đã được 100% giáo viên
đồng tình hưởng ứng và đăng ký tham gia giảng dạy cho 2 đối tượng là học sinh
khối 12 ôn thi tốt nghiệp cuối cấp và học chưa đạt yêu cầu cam kết chất lượng đầu ra.
Trong đó ôn thi tốt nghiệp THPT chia làm 2 đợt (đợt 1 từ 24/02 - 10/5/2025, đợt
2 từ 12/5 đến trước kỳ thi TN THPT với
số lượng 1216 tiết, tương đương 608 buổi. Phụ đạo cho học sinh chưa đạt yêu cầu
về cam kết chất lượng đầu ra với 360 tiết tương đương 180 buổi.
Cô giáo Trần Thị Kim Oanh giáo viên môn Ngữ văn đang trực tiếp dạy ôn tập cho học sinh lớp 12 A
Tổ
chức dạy ôn thi không thu phí, thay vào đó nhà trường sẽ điều tiết trong các
khoản chi để hỗ trợ một phần kinh phí hỗ trợ giáo viên giảng dạy, các giáo viên
cũng tự nguyện hi sinh một phần quyền lợi cá nhân để hỗ trợ các em học tập. Cô
giáo Trần Thị Kim Oanh- giáo viên môn Ngữ văn, Thầy giáo Lê Đình Hoàng – giáo
viên môn Địa lý đang thường xuyên tổ chức ôn tập cho học sinh vui vẻ cho biết:
“dạy ôn tập để nâng cao chất lượng giáo dục là hoạt động truyền thống của nhà
trường, năm nay dù không được thu tiền nhưng chúng tôi vẫn tự nguyện. Giáo viên
và nhà trường mong muốn và đề nghị các phụ huynh làm tốt công tác quản lý, nhắc
nhở con em tự giác và nghiêm túc trong học tập, chú trọng việc tự học ở nhà…. để
đạt được chất lượng chung và kết quả cao trong kỳ thì tốt nghiệp sắp tới”.
Thầy giáo Lê Đình Hoàng giáo viên môn Địa lý tại một buổi ôn tập cho lớp 12 C.
Ngoài
tổ chức tốt việc dạy và học Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân cũng là đơn vị đi đầu
ở huyện Thanh Chương trong việc “nói không với điện thoại trong nhà trường”
bằng việc tổ chức các hoạt động tập thể mang tính dân gian như: nhảy dây, chơi
cờ gánh, ô ăn quan và các hoạt động thể chất lành mạnh khác.
Học sinh trường THPT Nguyễn Cảnh chân hào hứng với các trò chơ ô ăn quan, vật tay để nói không với điện thoại.
Thông tư 29 đã được ban hành và áp dụng trong cả nước nhằm thắt chặt việc quản
lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Thay vì phải học thêm quá tải, học sinh có
thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật,
âm nhạc….. nhằm hướng đến việc phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý
thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết
vấn đề, phát huy tính chủ động, sáng tạo… Vẫn biết rằng, dạy học miễn phí không
thể kéo dài mãi được, tuy nhiên, trong tình hình kỳ thi tốt nghiệp THPT đang
đến gần và rất nhiều học sinh đang cần sự tiếp sức để đạt được ước mơ, việc tập
thể giáo viên trường THPT Nguyễn Cảnh Chân tự nguyện dạy ôn tập miễn phí thật
đáng trân trọng, cần được tôn vinh, ghi nhận và nhân rộng.
Trần Đình Hà.