ĐĂNG NHẬP  
image banner
       
Bài 1: Đình Võ Liệt – “văn miếu” huyện Thanh Chương.
Lượt xem: 2090

            Đến với huyện Thanh Chương theo quốc lộ 46 qua cầu Rộ, rẽ phải 500 mét sẽ thấy Đình Võ Liệt nổi bật trên gò đất cao trên cánh đồng Rè. Đây là ngôi đình có sự chuyển hóa và tái hiện lại trung thực thế giới quan của người nông dân, là một trong 100 ngôi đình tiêu biểu của cả nước được giới thiệu trong tác phẩm nổi tiếng Đình Việt Nam của 2 tác giả Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự.

Đình Võ Liệt được khởi công xây dựng vào năm 1859, hoàn thành vào năm 1860. Người chủ trì thiết kế là nhà Nho Hoàng Chính Trực, đậu Cử nhân khoa Tân Dậu (1861). Đây là nơi tế lễ và hội họp của Hội Văn tổng Võ Liệt vào tháng 8 âm lịch. Xuất phát từ đó, đình còn có tên gọi Văn quán, quán Hàng Tổng. 

Anh-tin-bai

Toàn cảnh Đình Võ Liệt

Đình Võ Liệt có kiến trúc khá độc đáo trong hệ thống đình làng Việt Nam. Có hồ bán nguyệt, cổng, sân vườn và đình chính. Từ ngoài vào, cổng đình có kết cấu theo kiểu “tứ trụ” với 4 trụ cổng vững chãi tạo thành 1 cổng chính và 2 cổng phụ. Phía trước 2 bên sân đình xây dựng 2 dãy nhà bia, mỗi nhà có 3 tấm bia chất liệu bằng đá xanh nguyên khối ghi rõ họ và tên, địa chỉ của 445 người đỗ đạt khoa bảng của tổng Võ Liệt từ triều Lê đến triều Nguyễn, trong đó có 377 tú tài, 63 cử nhân, 2 tiến sĩ và 3 phó bảng. Đình có kiến trúc hình vuông hay còn gọi là kết cấu chữ “Khẩu”, đó là những ngôi nhà khép kín thông nhau, ở giữa có sân trời với 54 cột nối nhau thẳng hàng ngang, dọc và khép kín bằng ván lim khung đố. Dãy nhà phía trước 5 gian chính 2 gian phụ cao 5, 35m, chiều dài 16, 8m, liên kết với nhau bằng 6 bộ vì kèo. Nối liền tiếp theo là hai dãy nhà tả, hữu vu được xây dựng đăng đối tạo thành một con đường đi có mái che mỗi nhà 3 gian, 4 cột cao 4,3m. Nối tiếp tòa nhà chồng diêm tám mái gồm 5 gian chính, 2 gian phụ, cao 7m. Trên đỉnh nóc đình có hình nậm rượu, các đầu đao ở đình uốn cong mềm mại, trên các đầu dư là hình rồng cách điệu, rồng thể hiện khá tài tình, vừa mang chức năng trang trí, vừa là đầu cột chịu lực đỡ quá giang. Đầu rồng được chạm theo lối bong kênh, đây chính là nét kiến trúc độc đáo của đình Võ Liệt.

Đình Võ Liệt không chỉ là nơi sinh hoạt của Hội Văn tổng Võ Liệt mà còn địa chỉ quen thuộc của nhiều nhà nho hay chữ ở các nơi khác được Nhân dân mời về dạy học cho con em, trong đó có thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là cụ Nguyễn Sinh Sắc và các nhà nho Phan Bội Châu, Đặng Nguyên Cẩn, Hồ Sĩ Tạo… Mặc dù hiện nay di vật thờ cúng của đình không còn gì nữa, nhưng theo các bậc cao niên kể lại, xưa kia đây là Văn Miếu của tổng, từ năm 1907 trở thành Văn Miếu của huyện nên có nhiều hiện vật quý, có thể kể đến là: 2 cờ đại, 6 cờ vuông, mâm cỗ bồng, bàn thờ Khổng Tử, trống, khánh đá, còn có cả chiêng đồng do Tiến sĩ Phan Sĩ Thục (1822-1891) năm 1872 đi sứ sang nhà Thanh về cung tiến. 

Anh-tin-bai

Hai bên Đình là các bia đá ghi danh những người đậu đạt.

 Ngoài sự độc đáo về kiến trúc và ý nghĩa nhân văn ghi đấu ấn của sự học hành đậu đạt, đình Võ Liệt đồng thời là địa điểm gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của dân tộc cũng như địa phương. Năm 1929, đình là nơi hội họp của Đảng Tân Việt huyện Thanh Chương. Ngày 01/6/1930, Nhân dân đã tập trung tại đình Võ Liệt, rồi kéo lên huyện đường đưa yêu sách. Ngày 01/9/1930, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Thanh Chương, 2 vạn Nhân dân trong 5 tổng đã vượt sông Lam sang vây phá huyện đường, khiến tri huyện, nha lại hoảng sợ phải bỏ chạy lên đồn Thanh Quả. Trước sự tan rã của bộ máy hương hào ở địa phương, Chi bộ đảng đã họp ở đình Võ Liệt quyết định thành lập tổ chức Nông hội đỏ, đại diện cho quyền lợi của người lao động và công khai giải quyết mọi công việc như một chính quyền cách mạng. Đình Võ Liệt là một trong những địa điểm thành lập chính quyền Xô viết đầu tiên ở Nghệ Tĩnh, là trụ sở làm việc của chính quyền Xô viết...

Anh-tin-bai

Lãnh đạo xã Võ Liệt thường tổ chức dâng hương, hoa tại Đình vào các dịp lễ, tết và kỷ niệm ngày truyền thống.

Trong những năm 1940 - 1947, đình Võ Liệt là nơi diễn ra những cuộc họp thành lập, khôi phục lại Chi bộ đảng Võ Liệt (năm 1940), nơi tiến hành Đại hội đại biểu Khu ủy IV dưới sự chủ trì của các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Hồ Tùng Mậu, Thiếu tướng Nguyễn Sơn và Đại hội Liên khu IV cũ (năm 1947)... Năm 1986 đình vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng phu nhân là Giáo sư Đặng Thị Bích Hà, con gái Nhà văn-Nhà Văn hoá Đặng thai Mai về thăm. Sau khi tham quan, đọc văn bia của di tích, Đại tưởng rất vui nói: “Đây là Văn miếu của huyện”. Ngày 26-1-2007, trong thư gửi Đảng bộ và nhân dân xã Võ Liệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ở một xã, một huyện ít nơi có di tích lịch sử như ở đây. Tôi đã nói: Đây là văn miếu huyện rất đáng tự hào ở quê ta, các thế hệ con, cháu phải tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học đó của ông cha ta”.

Với nhiều giá trị truyền thống và kiến trúc độc đáo Đình Võ Liệt đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia  theo Quyết định số 1288/QĐ-VH, ngày 16 tháng 11 năm 1988. Từ ngày được xếp hạng đến nay Đảng, Nhà nước và ngành chuyên môn các cấp từ Trung ương đến địa phương đã tập trung đầu tư, tôn tao và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại đền như: mít tinh, kỷ niệm, nói chuyện truyền thống, các hoạt động văn hóa văn nghệ  nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích góp phần giáo dục truyền thống hiếu học, yêu nước, cách mạng tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Trần Đình Hà

 

Tin tức
  • Đất và Người Thanh Chương
1