ĐĂNG NHẬP  
image banner
       
Các đại khoa Hán học của huyện Thanh Chương. Tiến sỹ- Tư nghiệp Quốc tử giám Nguyễn Bá Quýnh.
Lượt xem: 175

 

Hai cha con cùng đỗ Tiến sỹ, cha làm Tế tửu, con làm Tư nghiệp Quốc tử giám là trường hợp hiếm hoi trong nền khoa bảng Việt Nam. Tại đền Hai Hầu (xã Xuân Tường- Thanh Chương) nay còn treo đôi câu đối: “Nhất môn khoa giáp phụ nhi tử/ Lịch đại bao phong Lê chí Kim” (Dịch nghĩa: “Sắc phong hai chữ Lê và Nguyễn/Khoa giáp một nhà Bố và Con để nói về trường hợp các tiến sỹ Nguyễn Phùng Thời – Nguyễn Bá Quýnh. Chúng tôi đã giới thiệu về Nguyễn Phùng Thời, nay xin nói về Nguyễn Bá Quýnh.

Nguyễn Bá Quýnh (1710 - 1772) Người xã Hoa Lâm huyện Nam Đường, nay là xã Xuân Tường,  huyện Thanh Chương được thừa hưởng nếp nho học từ người cha Nguyễn Phùng Thời. Cũng giống như người cha, Bá Quỳnh từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, được dân trong vùng tôn là thần đồng.

Anh-tin-bai

Bia đá ghi danh 2 cha con TS Nguyễn Phùng Thời- Nguyễn Bá Quýnh ở Văn miếu  Quốc tự giám được mô phỏng phục dựng tại đền Hai Hầu.

Năm 19 tuổi, ông thi đỗ Hương Cống (1729), bốn năm sau, năm Quý Sửu, niên hiệu Long Đức thứ 2 (1733) ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Anh-tin-bai

                   Cha làm tế tửu, con làm tư nghiệp ở Quốc tử giám là trường hợp hiếm với nền khoa bảng Việt Nam

Hiện nay, tại bia Tiên sĩ số 66 tại Văn miếu Quốc Tử Giám có đề tên ông “Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân... Nguyễn Bá Quýnh: Xã Hoa Lâm, huyện Nam Đường, nho sinh trúng thức”. Các tài liệu cũng khẳng định, khoa thi này, xứ Nghệ chỉ có mình Bá Quýnh đỗ đại khoa.

Ông trở thành vị quan đồng triều với cha mình, sau được thăng đến chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám kiêm Đông các đại học sĩ. Thời gian này cha ông TS Nguyễn Phùng Thời làm Tế tửu (Giám đốc- Hiệu trưởng) Quốc tử giám. Các nguồn sử liệu đánh giá rằng, Nguyễn Bá Quýnh tính tình thẳng thắn, khẳng khái nên không được lòng chúa Trịnh. Một thời gian sau ông được chuyển về làm Giám sát Ngự sử đạo Nghệ An.

Thời gian làm Giám sát Ngự sử đạo Nghệ An, Nguyễn Bá Quýnh đã xử một vụ kiện gây rúng động lúc bấy giờ. Người bị xử thua là một gia đình nhà giàu, có quan hệ mật thiết với nhiều đại thần trong triều. Người này ỷ thế chiếm nhiều đất đai của dân đen. Ông giữ liêm chính, công tâm không lợi dụng chức vụ và đã xử cho dân thắng kiện.

Trong những ngày làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám và Giám sát ngự sử Nghệ An, Nguyễn Bá Quýnh nhận ra tình cảnh quan lại thời Lê - Trịnh thối nát nên quyết định từ quan về quê và mở trường dạy học, ctruyền bá học vấn, đạo đức, nhân nghĩa cho các học trò.

Anh-tin-bai

                                            Bằng công nhận di tích lịch sử đền Hai Hầu.

Trường học của ông mang tên là Mai Sơn giảng học đường, Năm Nhâm Thìn (1772) Nguyễn Bá Quýnh qua đời. Vua Lê đã có sắc phong truy tặng cho ông tước Mai Lĩnh Hầu, phong làm phúc thần, được thờ chung một ngôi đền với cha là Nguyễn Phùng Thời.

Anh-tin-bai

Lễ tế hai cha con Tiến sỹ được địa phương và dòng họ Nguyễn Phùng tổ chức trang trọng hàng năm tại Đến Hai Hầu.

Hiện nay, hai cha con Tế tửu Nguyễn Phùng Thời không chỉ được thờ trong nhà thờ họ Nguyễn Phùng mà còn được tôn thánh trong ngôi đền nổi tiếng là Hai Hầu. Ngôi đền được đặt tên như vậy vì cả hai cha con đều được ban tước Hầu. Đền Hai Hầu đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 2014. Hàng năm lễ tế Hai Hầu được địa phương và dòng họ Nguyễn Phùng tổ chức trang trọng. Đây là dịp để tưởng nhớ, tôn vinh các tiền nhân, sự học  và là dịp để giáo dục truyền thống cho con cháu, nhân dân và thế hệ trẻ.

                                                                                    Trần Đình Hà.

 

 

Tin tức
  • Đất và Người Thanh Chương
1