ĐĂNG NHẬP  
image banner
       
Các vị đại khoa trên đất học Thanh Chương. Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Giáo
Lượt xem: 325

Nguyễn Sĩ Giáo sinh 1638 chưa rõ năm mất, người xã Mi Sơn huyện Thanh Chương (nay thuộc xã Thanh Mai huyện Thanh Chương) trong một gia đình Nho giáo, có bốn anh em đỗ Hương cống và đều được bổ làm Giám sinh Quốc Tử Giám, nhưng ông là người nổi tiếng nhất. Nguyễn Sĩ Giáo thi Hương đỗ đầu khoa, thi Đình đời Lê Huyền Tông, làm quan trải qua 3 triều đại nhà Lê.

Nguyễn Sĩ Giáo thi Hương đỗ Giải nguyên. Sau đó năm 1664 ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn đời Lê Huyền Tông. Ông làm quan giữ các chức Thiêm đô ngự sử (1676), Hàn lâm Thị độc. Sau ông bị cách chức.

Tháng 7 năm Bính Thìn (1676), trong viện Hàn lâm dưới triều Lê Hy Tông, Giám sát ngự sử Trần Thế Vinh được tin thân sinh mất, giấu đi không phát tang. Hàn lâm hiệu thảo Nguyễn Đức Vọng cùng một số viên quan khác làm sớ đàn hặc Thế Vinh không phải người biết giữ đạo hiếu. Theo luật đương thời là Quốc triều hình luật  thì giấu tang thân sinh là phạm tội nặng. Trần Thế Vinh bị cách chức. Thiêm đô ngự sử Nguyễn Sĩ Giáo không làm sớ tâu việc này nên bị đàn hặc là a dua phụ họa, bênh vực riêng cho Trần Thế Vinh, cũng bị bãi chức.

Nhưng về sau không những được phục chức mà Nguyễn Sĩ Giáo còn được đặc phong vinh lộc đại phu, ban thụy chất trực và được hưởng lệ định phong ấm cho tôn thất.

Làm việc trong Viện hàn lâm, nơi trông coi việc soạn thảo những chế, cáo, chiếu, chỉ của vua (xem Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quyển 7 trang 216). Nói dễ hiểu hơn chức trách viện Hàn lâm là: phàm tờ chiếu, tờ chế đều do viện này đứng khởi thảo (chiếu lời lệnh vua ban, chế là lời vua khen), về việc các quan trong triều đường bảo cử, mà còn có đều gì chưa được thỏa đáng, thì viện này đều được phép hặc tâu để xét lại. Ngày xưa người trên bảo kẻ dưới là chiếu, từ nhà Tần nhà Hán thì chỉ vua được dùng chiếu như [chiếu thư] 詔書 tờ chiếu, [ân chiếu] 恩詔, xuống chiếu ra ơn cho. Lời của vua, lệnh của vua gửi xuống cho thần dân (Theo Việt sử Giai thoại, trang 773, PGS. Đinh Khắc Thuần, viện Hán Nôm chủ biên).

Vốn có kiến thức uyên thâm Nguyễn Sĩ Giáo được bổ nhiệm chức Thị độc viện Hàn lâm. Đây là chức quan giữ việc giảng đọc thư sử, giảng giải kinh nghĩa cho vua nghe và thường được nhà vua hỏi ý kiến khi bàn chính sự. Về sau Nguyễn Sĩ Giáo chuyển làm Đô cấp sự trung

Đại việt sử ký toàn thư chép: năm Cảnh Trị thứ 2 (1664), thăng chức cho các quan trong ngoài, cho Nguyễn Sĩ Giáo làm Giám sát ngự sử. Đời Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị 1 (1676), đình thần hỏi Thiêm đô ngự sử Nguyễn Sĩ Giáo về tội kết bè đảng. Ông bị cách chức, sau lại được phục chức và được ban Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Bồi tòng Ngự sử đài Đô ngự lại, Hiến sát sứ, Đề hình, An Nhân tử, ban thụy Chất Trực, Nhân Thành xã Nguyễn Tướng công. Gia đình có 4 anh em đều đỗ Hương cống, đều được bổ làm Giám sinh Quốc tử giám nhưng ông là nổi tiếng nhất. Ông về trí sĩ rồi mất ở nhà, dân xã lập đền thờ tự, được các triều đại phong kiến tặng nhiều sắc văn.

Phát huy truyền thống hiếu học của các bậc tiền bối ngày nay Dòng họ Nguyễn Sỹ đã liên tục pháp động, duy trì phong trào khuyến học của dòng họ đi vào nề nếp, ở nông thôn cũng như thành thị, dù cuộc sống còn nghèo, kinh tế khó khăn nhưng vẫn một lòng chăm lo cho con em học hành đến nơi đến chốn. Ban khuyến học Dòng họ đã có kế hoạch chương trình hoạt động hiệu quả, chất lượng, nhờ vậy đã giữ vững phong trào chăm ngoan, học giỏi trong toàn thể con cháu...”.

Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và của toàn xã hội; phong trào khuyến học ở Dòng họ Nguyễn Sỹ  xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương - đã tạo nên diện mạo góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng xã hội học tập trên mảnh đất Thanh chương trọng thầy , hiếu học

                                                                                         Trần Đình Hà

Tin tức
  • Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số QG
1