ĐĂNG NHẬP  
image banner
       
Di tích lịch sử Quốc gia: nhà thờ Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa.
Lượt xem: 116

Huyện Thanh Chương từ lâu đã được biết đến là một vùng địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử văn hóa và giàu truyền thống cách mạng, là mảnh đất có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc có giá trị đang được bảo tồn, góp phần tô thắm thêm bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Trong đó có Làng Lương Điền, xã Thanh Xuân nơi có di tích nhà thờ các chí sỹ Đặng Nguyên cẩn, Đặng Thúc Hứa đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia.

Làng Lương Điền, xã Thanh Xuân từ xưa đến nay nổi tiếng với truyền thống hiếu học và các mạng, trong đó có những dòng họ tiêu biểu như: Trần Hưng, Nguyễn Cảnh và họ Đặng. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, họ Đặng, làng Lương Điền có nhiều người tham gia cách mạng và bốn trong số đó đã trở thành danh nhân Xứ Nghệ, trở thành những tấm gương cộng sản của Nghệ An như: Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa, Đặng Thai Mai và Đặng Thị Quỳnh Anh.. Chính họ là những đại diện tiêu biểu cho tinh thần bất khuất của nhân dân làng Lương Điền. Đúng như câu nói: “Cả nước mất, riêng Nghệ Tĩnh vẫn còn chống giặc, cả Nghệ Tĩnh mất, riêng làng Lương Điền vẫn không chịu đầu hàng”.

Anh-tin-bai

                 Toàn cảnh khu vực nhà thờ Đặng Nguyên Cẩn và Đặng Thúc Hứa.

Phó bảng: Đặng Nguyên Cẩn (1867-1923), tên cũ là Đặng Thai Nhận, hiệu Thai Sơn, Tam Thai; là chí sĩ cận đại trong lịch sử Việt Nam. Cha của ông là Đặng Thai Giai (hay Thai Cảnh), từng tham gia phong trào Cần Vương , bị quân Pháp bắt giam, tra tấn rồi an trí cho đến chết. Năm 1888, Đặng Nguyên Cẩn thi đỗ Cử nhân khoa Mậu Tý, được bổ làm Giáo thụ phủ Hưng Nguyên nằm ở phía nam tỉnh Nghệ An. Năm 1895, ông đỗ Phó bảng khoa Ất Mùi, được đổi làm quan tại Huế, rồi làm Đốc học ở tỉnh Nghệ An. Theo con đường của cha, tại đây, ông tham gia và cổ động phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân theo đường lối do Phan Chu Trinh khởi xướng.Đầu tháng 8 năm 1905, Đặng Nguyên Cẩn và Ngô Đức Kế gặp Phan Bội Châu tại Hà Tĩnh, khi nhà chí sĩ này về nước với ý định đón Cường Để xuất ngoại. Cũng trong năm này, Đặng Nguyên Cẩn đưa em là Đặng Thúc Hứa  xuất dương sang Nhật học tập.

Năm 1907, ông cùng Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân lập "Triêu Dương thương quán" ở Vinh buôn bán hàng nội hoá và các sách tân thư của Đông Kinh Nghĩa Thục, để vừa cổ xúy vừa tạo nguồn tài chính cho phong trào. Tuy nhiên, chỉ hoạt động được nửa năm, thì nhà cầm quyền thực dân Pháp bắt đầu ra tay đàn áp, "Triêu Dương thương quán" bị buộc đóng cửa, còn Đặng Nguyên Cẩn thì bị thuyên chuyển vào làm đốc học Bình Thuận.

Năm 1908, ông hưởng ứng phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo.

Bị lao tù khổ sở suốt 13 năm, đến năm 1921, Đặng Nguyên Cẩn được thả cùng với Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế. Trở về quê ít lâu sau thì  mất 1923. Sinh thời, Đặng Nguyên Cẩn có sáng tác một số thơ văn, một số đã được giới thiệu trong "Thi tù tùng thoại" của Huỳnh Thúc Kháng. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Ban Mê Thuột đều có đường phố mang tên Đặng Nguyên Cẩn. Con ông là nhà giáo, nhà văn Đặng Thai Mai.

Anh-tin-bai

Bàn thờ các vị tiên tổ dòng họ Đặng và các chí sỹ Đặng Nguyên Cẩn, Đặng thúc Hứa tại xã Thanh Xuân

Tú Tài Đặng Thúc Hứa (1870 - 1931).

Đặng Thúc Hứa còn gọi là Ngọ Sinh, ông sinh năm 1870, là em trai của Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn. Năm Canh Tý (1900), ông tham gia kỳ thi Hương và đậu Tú tài. Năm 1905, Đặng Thúc Hứa tham gia Duy Tân Hội và được giao phụ trách việc quyên góp kinh phí cho thanh niên Đông Du. Năm 1908, Đặng Thúc Hứa sang Trung Quốc và được Phan Bội Châu giao cho nhiệm vụ sang Nhật Bản mua súng chuyển về nước để ủng hộ cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Năm 1909, Đặng Thúc Hứa sang Xiêm mở trại cày. Đi theo tiếng gọi của phong trào Đông Du, hàng trăm thanh niên yêu nước của Nghệ Tĩnh đã vượt núi, băng rừng sang trại cày của Đặng Thúc Hứa rồi sang Trung Quốc để hoạt động, trong số đó có nhiều người con ưu tú đã trở thành những yếu nhân quan trọng trong phong trào cách mạng Việt Nam như: Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu..

Tháng 3 năm 1928, Nguyễn Ái Quốc sang Xiêm để vận động cách mạng. Nguyễn Ái Quốc đã gặp Đặng Thúc Hứa và các hội viên của hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở đây. Trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đã dựa vào các cơ sở cách mạng ở Xiêm do Đặng Thúc Hứa gây dựng để tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo thêm nhiều cán bộ cốt cán gửi về hoạt động cách mạng trong nước.  Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương cũng có đoạn chép: “ Sự kiện này chứng tỏ trại cày của Đặng Thúc Hứa là nơi nuôi dưỡng, hun đúc biết bao thanh niên trở thành cán bộ cách mạng, là một căn cứ địa quan trọng để bảo vệ lực lượng cách mạng, duy trì việc huấn luyện, truyền bá chủ nghĩa Mác –Lenin qua Đường cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc về trong nước. Ngày 12/2/1931, sau chuyến công tác từ Xiêm Mây về UĐon, Đặng Thúc Hứa đã lâm bệnh và qua đời, mộ ông được táng tại chùa Bản Chích,  xã Mạc  Khen, huyện Mường, tỉnh U Đon Thani , Thái Lan.

 

Anh-tin-bai

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa- Thể thao trao bằng cho lãnh đạo địa phương và dòng họ, ngày 27/6/ 2020.

Di tích nhà thờ Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa là nơi thờ phụng và tưởng niệm những người con của dòng họ, những người đã có nhiều đóng góp cho dân cho nước. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học thẩm mỹ. Trên cơ sở này ngày 07/01/2020 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 43/QĐ – BVHTTDL  xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia đối với Di tích nhà thờ Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa . Đây không chỉ là sự vinh danh, tri ân công lao của các bậc tiền nhân có công với dân với nước mà còn là sự xác lập cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích trước mắt và lâu dài.

UBND huyện Thanh Chương, xã Thanh xuân và dòng họ đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng vào ngày 27/6/2020 trong niềm phần khởi, tự hào.

                                                                                Trần Đình Hà

 

 

Tin tức
  • Đất và Người Thanh Chương
1