ĐĂNG NHẬP  
image banner
       
Thanh Chương: nơi phát tích của Dòng họ Nguyễn Cảnh trên đất Nghệ An Bài 1: Dòng họ của nhiều quận công.
Lượt xem: 1380

 

Không chỉ có niềm tự hào là một vùng đất cổ có vị trí quan trọng có lịch sử gắn với lịch sử đất nước- huyện Thanh chương còn có niềm tự hào là nơi phát tích  của dòng họ Nguyễn Cảnh Nghệ An – một dòng họ nổi tiếng “danh gia vọng tộc”, có nhiều đóng góp cho đất nước.

Căn cứ vào gia phả và một số tài liệu còn lưu lại tại các nhà thờ họ Nguyễn Cảnh ở khu vực Thanh Chương và Đô Lương, cho thấy họ Nguyễn Cảnh tại Nghệ An có nguồn gốc từ làng Thiên Lý, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương, nay thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh di cư vào vùng đất làng Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Trước đây từng có ý kiến cho rằng Nguyễn Cảnh Lữ là ông Tổ nhưng căn cứ vào một số tài liệu chứng cứ khác đã chứng minh danh tướng Nguyễn Cảnh Chân mới là ông tổ Nguyễn Cảnh tại Thanh Chương và Nghệ An.

Anh-tin-bai

Trải qua hơn 600 năm tồn tại và phát triển, dòng họ Nguyễn Cảnh với 25 đời, 100 chi họ, trên 100.000 nhân khẩu, cư trú phần lớn ở các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu và nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh, gắn với nhiều di sản văn hóa liên quan như: nhà thờ họ, đền, đình làng, miếu, phủ - nơi thờ các vị thần là những nhân vật lịch sử của dòng họ. Khởi dựng cơ nghiệp ở vùng đất Nghệ An, họ Nguyễn Cảnh đã khẳng định được vị trí và tầm ảnh hưởng của một dòng họ có truyền thống trung quân ái quốc gắn với sự kiện suy tôn Trần Quý Khoáng cháu của Trần Nghệ Tông lên làm vua năm 1409 và tiếp tục cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của hai cha con Nguyễn Cảnh Chân và Nguyễn Cảnh Dị dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Trần Quý Khoáng.

Dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An đã sinh ra nhiều danh tướng tài giỏi, đặc biệt thời Lê Trung Hưng con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An đã có liên tục năm thế hệ liên tiếp “ông, cha, con, cháu - chắt” làm tướng, có công lớn trong việc trung hưng đất nước của nhà hậu Lê, tiêu biểu như: Đời thứ 5, họ Nguyễn Cảnh có 5 cha con, anh em trong một nhà tham gia công cuộc phò Lê, song người có công lớn được nhiều sử sách ghi chép đến đó là Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan.

Nguyễn Cảnh Hoan sinh năm 1521, mất năm 1576 là con thứ hai của Phúc khánh Quận công Nguyễn Cảnh Huy, thuộc đời thứ 5 của dòng họ Nguyễn Cảnh, năm 14 tuổi ông đã thi đậu hương cống, 15 tuổi đã cùng cha mình và 3 anh em ruột là Trung quận công Nguyễn Cảnh Hân, Cường quận công Nguyễn Cảnh Văn, Lập quận công Nguyễn Cảnh Chiêu đi yết kiến Vua Lê Trang Tông ở Sầm Châu, được Vua phong tước Dương đường Hầu và trở thành một trong những cận thần quan trọng của nhà Lê.

Anh-tin-bai

Trong sự nghiệp 40 năm cầm quân của mình, Nguyễn Cảnh Hoan cùng với các thuộc cấp trong đó có nhiều người là con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh đã nhiều lần góp công vào việc đánh đuổi quân nhà Mạc ở khu vực phía Bắc cũng như địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Ông cũng đã được Thái sư Trịnh Kiểm đánh giá là con người mưu trí, dũng lược, đánh đâu thắng đó và ban cho quốc tính với tên là Trịnh Mô thuộc dòng dõi của chúa Trịnh. Sau khi ông qua đời, để tưởng nhớ công lao của Tấn Quốc công, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã lập đền thờ phụng và tôn ông làm thành hoàng.

Sang đời thứ 6, dòng họ Nguyễn Cảnh có 4 vị Quận công và 11 vị tước Hầu, trong đó có Nham lĩnh hầu Nguyễn Cảnh Kiên, con trai thứ hai của Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan theo cha tham gia trận mạc phục vụ triều đình khi mới 12 tuổi. Trong sự nghiệp cầm quân của mình ông đã đánh thắng hơn 40 trận và được triều đình ban phong nhiều chức tước quan trọng như: Đô Đốc đồng tri; Đô đốc phủ tả đô đốc; Nam quân đô đốc phủ tả đô đốc thái y viện chưởng viện sử; Thái bảo tả tư không, Thư quận công. Bên cạnh công trạng phò Lê diệt Mạc, ông còn là một thầy thuốc giỏi thường xuyên chữa bệnh cho dân nghèo cũng như quan lại thời bấy giờ

Đời thứ 7, dòng họ Nguyễn Cảnh có thêm 3 vị quận công và 2 vị tước hầu, trong đó có Thượng tướng quân Nguyễn Cảnh Hà, con trai thứ hai của Thái bảo quận công Nguyễn Cảnh Kiên được xem là một vị tướng dũng mãnh và đầy mưu lược, 19 tuổi đã theo cha đi dẹp loạn, lập được nhiều chiến công lớn trong các cuộc chinh phạt nhà Mạc ở Hải Dương, Kinh Bắc, Gia Lâm, Cao Bằng… được Bình An vương Trịnh Tùng coi trọng, nể phục và gả con gái là công chúa Trịnh Thị Ngọc Thanh làm vợ và phong làm Thị vệ Phò mã Đô úy Quảng phú Hầu sau đó phong chức Đô đốc thiệm sự thắng Quận công; Đô đốc đồng tri và vinh phong “Tán trị công thần”.

Đời thứ 8 có 3 vị quận công, 2 tước hầu trong đó nổi bật là Tả Đô đốc Liêu quận Công Nguyễn Cảnh Quế (1605 - 1658). Ông là người có tư chất thông minh, mưu trí, trong sự nghiệp cầm quân của mình ông đã lập được nhiều chiến công, được Chúa Trịnh phong tước Lộc công hầu và gả con gái là công chúa Trịnh Thị Ngọc Loan, gia thăng thêm “phò mã Đô úy, phó tướng thư vệ sự Liêu quận Công”.

Năm 1630, Nguyễn Cảnh Quế được giao trấn giữ vùng đất Hoan Châu, trong thời gian này ông không những là một vị chỉ huy tài giỏi đã thống lĩnh lục quân và thủy quân từ Quỳnh Lưu đến đèo Ngang mà còn tổ chức huấn luyện đội thủy quân thành một đội quân tinh nhuệ của triều Lê Trung hưng.

Bốn người con trai của ông là Tín quận công Nguyễn Cảnh Hiệu, Yên Thọ hầu Nguyễn Cảnh Tường, Vĩnh Thọ hầu Nguyễn Cảnh Thung, Thọ Tường hầu Nguyễn Cảnh Nông được phân công phụ trách các đội thủy binh ven biển khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đã cùng với cha của mình vừa bảo vệ vùng biển cùng dân chúng khai hoang, lập làng, ổn định sản xuất.

Bước sang thời Tây Sơn, thời Nguyễn và thời kỳ cận hiện đại, các thế hệ của dòng họ Nguyễn Cảnh vẫn luôn trung thành với đất nước và có nhiều cống hiến góp phần xây dựng quê hương. Nổi bật ở giai đoạn này có thể kể đến Nguyễn Cảnh Quy thuộc đời thứ 12 của dòng họ Nguyễn Cảnh đã từng thành lập đội quân nội tộc gọi là “Thiên lý phường” để đánh dẹp giặc cướp, bảo vệ nhân dân, giúp dân yên ổn làm ăn, được Vua Quang Trung phong tước Yển Đức hầu.

Bên cạnh đó còn có Thước Võ hầu Nguyễn Cảnh Trữ làm đến chức “khâm sai trấn thủ Kinh Bắc”, ông đã từng ngăn cản và thu thuyền bè không cho Vua Lê Chiêu Thống vượt sông Xương Giang cầu cứu quân Thanh chống lại nhà Tây Sơn.

Dòng họ Nguyễn Cảnh còn để lại cho đất nước một cuốn sử quan trọng, mặc dù mang yếu tố là cuốn gia phả liên quan đến một dòng họ song lại được xếp vào hàng quốc sử Việt Nam. Đó là sách “Hoan Châu ký”, một di sản văn hóa của đất nước, góp phần bổ trợ và làm sáng tỏ thêm một số sự kiện liên quan đến lịch sử nước nhà trong một giai đoạn nhất định.

Không có nhiều dòng họ mà tên hai cha con được đặt cho hai con đường tại Thủ Đô là Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị. Cũng không có nhiều dòng họ có truyền thống văn võ song toàn như dòng họ Nguyễn Cảnh.

Với lịch sử hơn 600 năm, không ngoa khi nói đây là một trong những đại diện tiêu biểu nhất cho truyền thống cha truyền con nối, văn võ song toàn của dân tộc.

(còn nữa)

Trần Đình Hà

 

Tin tức
  • Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số QG
1