ĐĂNG NHẬP  
image banner
       
Đại tướng Chu Huy Mân: người chiến sỹ cách mạng kiên cương, nhà quân sự tài ba.
Lượt xem: 595
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Đại tướng Chu Huy Mân- Nguyên Phó Chủ tịch hội đồng nhà nước mời quý vị và các bạn theo dõi bài Chu Huy Mân - người chiến sỹ cách mạng kiên cương, nhà quân sự tài ba.

Đồng chí Chu Huy Mân sinh ngày 17 tháng 3 năm 1913 tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên nay thuộc xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Là một chính khách và tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, hàm Đại tướng. Ông từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.  Ông nổi tiếng với vai trò Tư lệnh Quân khu Tây Bắc và được bổ nhiệm làm Chính ủy các chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế-Đà Nẵng trong Chiến tranh Việt Nam.

Ông tham gia cách mạng từ năm 1929, kết nạp vào Đảng năm 1930.[7][8] Trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, ông tham gia đội Tự vệ đỏ và là đội phó đội tự vệ xã,[7] sau đó làm Bí thư chi bộ xã. Bí thư phân Huyện ủy huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An năm 1936. Tháng 5 năm 1935, ông đổi tên là Chu Huy Mân. Ngoài ra, ông còn có một số bí danh như Vũ Chân, Lê Thế Mỹ, Trần Thanh Lạc, Hai Mạnh.

Từ 1937 đến năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần ở nhà lao Vinh, đến năm 1940 đưa đi giam ở Đắc Lay rồi Đắc Tô, Kon Tum. Năm 1943, ông vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Ban Việt Minh tỉnh và Tỉnh ủy Quảng Nam, sau đó làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

Sau khi giành được chính quyền năm 1945, ông vào quân đội  và lần lượt giữ các chức vụ: Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam; sau đó làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính 4 tỉnh Trung Bộ, Trưởng ban Kiểm tra Đảng, Ủy viên Quân khu Việt Bắc.

Từ năm 1947 đến năm 1949 là Trung đoàn trưởng, Bí thư Trung đoàn ủy các Trung đoàn 72, Trung đoàn 74 Cao Bằng và Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng.

Tháng 5-1951, ông làm Phó Chính ủy, sau đó làm Chính ủy Đại đoàn 316, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Tháng 8-1954, là Đoàn trưởng Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào.

Năm 1957, ông giữ chức Chính ủy Quân khu IV; 4/1958 là Chính ủy Quân khu Tây Bắc kiêm Bí thư Khu ủy Tây Bắc.

Năm 1961 ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4.

Tháng 8-1965, làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên.

Từ năm 1967 đến năm 1975, ông là Tư lệnh Quân khu 5, Phó bí thư Đảng ủy Quân khu, Chính ủy chiến dịch Huế- Đà Nẵng.

Từ 1975 đến 1976, ông là Chính uỷ, kiêm Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng năm 1976, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được cử giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị  từ năm 1977 đến 1986), phụ trách công tác giúp Cách mạng Lào, Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc.

Ông là Đại biểu Quốc hội khoá II, VI, VII, được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa VII (1981-1986), là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá III, IV, V, Ủy viên Bộ Chính trị khoá IV, V.

Sau Đại hội VI, ông nghỉ hưu theo chế độ.

Đồng chí Chu Huy Mân qua đời ngày 3 tháng 7 năm 2006. Hưởng thọ 93 tuổi

Với những công lao và thành tích hoạt động cách mạng, đồng chí Chu Huy Mân được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng cùng nhiều huân, huy chương và phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước ta và các nước bạn…

Anh-tin-bai
Chân dung Đại tướng Chu Huy Mân.

Trên cương vị là một người lãnh đạo công tác Đảng trong quân đội, đồng chí Chu Huy Mân đặc biệt quan tâm, coi trọng công tác Đảng, công tác chính trị, xây dựng nhân tố chính trị tinh thần, giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện. Đồng chí đã đề ra nhiều biện pháp quan trọng nâng cao hiệu lực các mặt hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội; chú trọng công tác xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ trong quân đội.

Phẩm chất của nhà chính trị tài năng, sắc sảo được khẳng định ở những chỉ đạo quan trọng trong công tác tư tưởng, chính trị, đã động viên, cổ vũ tinh thần, sức mạnh, ý chí quyết chiến của cán bộ, chiến sĩ ở những giai đoạn đầy cam go, ác liệt của cuộc chiến đấu. Theo đồng chí, xây dựng tư tưởng, bản lĩnh của mỗi cán bộ, chiến sĩ trước trận đánh là nhân tố quyết định sự thành bại, công tác tư tưởng phải trở thành nhiệm vụ hàng đầu.

Trên từng cương vị công tác, từ cấp Trung đoàn, cho đến cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, đồng chí Chu Huy Mân thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang.

Đặc biệt, đồng chí Chu Huy Mân rất chăm lo củng cố, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức Đảng trong lực lượng vũ trang; xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ chính ủy, chính trị viên các cấp.

Những đóng góp của đồng chí Chu Huy Mân mang tư duy chiến lược của một nhà chính trị sâu sắc, sát thực tiễn. Những đóng góp đó đã góp phần trực tiếp xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày càng trưởng thành vững mạnh, đặc biệt là về chính trị, tạo ra cơ sở vững chắc để quân đội tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tên của ông được đặt cho môt số con đường ở Hà Nội, Đà Nẵng , Vinh. Đồng Hới, Quảng Bình Dự kiến Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ có đường mang tên ông.

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đại tướng, Bộ Quốc Phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ an đã tổ chức các cuộc hội thảo, kỷ nệm với nhiều nội dung phong phú.

 

Đình Hà - Trung tâm VH, TT&TT huyện.

Tin tức
  • Đất và Người Thanh Chương
1