Sục sôi những ngày Tháng Tám mùa thu lịch sử trên quê hương Cách mạng.
Từng đánh đổ chính quyền thực dân phong kiến thành lập chính quyền xô viết công nông, được đánh giá là đỉnh cao nhất của xô viết Nghệ -Tĩnh. Tiếp bước truyền thống, đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Chương đã hoàn thành việc giành chính quyền trong khí thế sục sôi của cuộc cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám mùa thu lịch sử 1945.
Là vùng đất có phong trào yêu nước sục sôi, có các tổ chức tiền thân của đảng. Sau sự kiện thành lập đảng vào ngày 3/2/ 1930, ngày 20/3/ 1930 đảng bộ huyện Thanh Chương được thành lập và liền ngay sau đó đã tổ chức các cuộc biểu tình đốt phá đồn điền Ký Viễn của hơn 3000 nông dân vùng Hạnh Lâm, cuộc biểu tình thị uy của hơn 100 giáo viên và học sinh trường tiểu học Pháp Việt Rộ ngay tại huyện đường Thanh Chương vào ngày 1/5/1930. Tiếp đó là cuộc biểu tình “chưa từng có” của hơn hai vạn nông dân vào ngày 1/9 lật đổ chính quyền, thành lập chính quyền xô viết công nông. Qua các cao trào Cách mạng Đảng bộ huyện đã lãnh đạo việc bảo vệ tổ chức, nuôi chí căm thù và sức nạnh trong quần chúng nhân dân. Sau khi phát xít Nhật hất cẳng thực dân Pháp và thua phe Đồng Minh trên thế giới cùng với cao trào cách mạng chung của cả nước, đảng bộ huyện đã có sự chuẩn bị để khi có thời cơ là vùng lên giành chính quyền
Theo các tài liệu lịch sử: vào ngày 23 tháng 6 năm 1945 Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã gửi thư cho các đồng chí ở Trung kỳ. kêu gọi: “Cơ hội quyết định vận mệnh ngàn năm của tổ quốc đang đến! Là chiến sĩ tiên phong, chúng ta không có quyền trốn tránh trách nhiệm…Các đồng chí Trung kỳ đã đi đầu trong nhiều cuộc vận động quyết liệt thì nhất định không thể vắng mặt trong phong trào chống Nhật cứu nước”.
Sau khi nhận được tài liệu ấy, các cựu tù chính trị ở trong huyện đã sẵn sàng hợp tác với nhau trong mặt trận Việt Minh để thống nhất hành động. Trên một chiếc thuyền gần bến đò Rộ, Chấp uỷ Việt Minh huyện Thanh Chương đã được thành lập. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới trong việc đoàn kết, tập hợp lực lượng cách mạng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Sau đó, các Chấp uỷ Việt Minh ở cơ sở được thành lập, khẩn trương chuẩn bị lực lượng cho việc khởi nghĩa. Thực hiện chủ trương chung của Việt Minh liên tỉnh, các Chấp uỷ Việt Minh đã cử những cựu tù chính trị có uy tín vào nắm các chức vụ chủ chốt trong tổ chức thanh niên tiền tuyến và chuyển tổ chức này thành tổ chức quần chúng của Việt Minh các cuộc tuyên truyền vạch tội ác của phát xít Nhật và bọn tay sai, cổ động quần chúng đấu tranh được tiến hành sôi nổi khắp nơi trong toàn huyện.
Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, nhân dân các làng Thanh Cao, Tiên Hội, Võ Liệt…kéo đến nhà Tổng lý đòi lấy tiền lúa công của làng xã để cứu tế cho dân bị đói. Tự vệ tổng Xuân Lâm chặn lấy 4 thuyền gạo của Nhật để cấp cho dân, đồng thời trấn áp, trừng trị bọn Tổng lý đi thu vét thóc gạo cho Nhật. Thông qua các hoạt động ấy các đoàn thể cứu quốc của nông dân, thanh niên, phụ nữ được xây dựng và thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Bọn tổng lý ở các làng xã đang hoang mang trước việc thay thầy, đổi chủ lại càng dao động, rối loạn trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Việt Minh.
Trong lúc đang chuẩn bị tổ chức Đại hội Miệt Minh toàn huyện thì nhận được tin Chính phủ Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Ngày 15/ 8/1945, Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh ra lệnh cho các huyện: “bố trí ngay việc cướp chính quyền, lập chính phủ lâm thời ở phủ và huyện. Tùy hoàn cảnh từng nơi mà làm, không câu nệ làng trước hay huyện trước”…Trước tình hình ấy ngày 16 tháng 8 năm 1945, Việt Minh huyện triệu tập Đại hội tại nhà đồng chí Nguyễn Cư làng Quảng Xá với trên 20 đại biểu. Đại hội quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa các cấp và bàn kế hoạch lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Vì thời gian khẩn cấp nên Chấp ủy Việt Minh các cấp nghiễm nhiên chuyển thành Ủy ban khởi nghĩa và quyết định tổ chức cuộc tổng biểu tình toàn huyện vào ngày 18 tháng 8 năm 1945 để biểu dương lực lượng, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện. Tối 17/8, cán bộ Việt Minh các tổng, xã khẩn trương chuẩn bị cho cuộc biểu tình. Truyền đơn được rải khắp các ngả đường. Trên nóc các đình làng và các ngọn cây cao, đâu đâu cũng có cờ đỏ sao vàng. Trống ngũ liên vang lên khắp các làng xã. 500 tự vệ cứu quốc và tự vệ cảm tử của các tổng tập trung về bãi Rộ xã Võ Liệt để làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ cho cuộc tổng biểu tình. Sáng ngày 18 tháng 8 năm 1945, nhân dân khắp các tổng trong huyện đã tập trung tại chợ Rộ. Sau khi nghe lời hiệu triệu chuẩn bị khởi nghĩa của đại biểu Việt Minh huyện, nhân dân biểu tình thị uy quanh huyện đường rồi chia thành từng đoàn kéo về các làng xã hô vàng các khẩu hiệu:
- Ủng hộ Việt Minh
- Đã đảo chính phủ bù nhìn của Nhật!
- Việt Nam hoàn toàn độc lập.
Hào khí sục sôi ngày Cách mạng tháng 8.
Đã được tập dượt từ cao trào cách mạng 1930-1931, cuộc tổng biểu tình diễn ra trong không khí sôi nổi hào hùng. Bộ máy quan lại, tổng lý từ huyện đến xã bị đè bẹp trước khí thế cách mạng của quần chúng. Tri huyện Nguyễn Chương cúi đầu nhận các điều kiện của Việt Minh. Các đồn lính bảo an tức lính khố xanh cũ của Nhật ở Thanh Quả, Đạo Ngạn, Rạng,..bị tự vệ bao vây đã hạ vũ khí đầu hàng cách mạng. Tổng lý, bang tá, bảo an đoàn hoang mang, nạp vũ khí cho tự vệ. Những tên quan lại, tổng lý gian ác, có nợ máu với cách mạng bị bắt giam.
Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931).
Sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945 theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc ở cơ sở, quần chúng rầm rập kéo về huyện giành chính quyền. Các ủy viên của Việt Minh dẫn các đội tự vệ tiến vào chiếm huyện đường và các cơ quan chuyên môn của chính quyền bù nhìn tay sai của Nhật với sự hậu thuẫn của đông đảo quần chúng cách mạng. Tri huyện Nguyễn Chương nộp con dấu cho Việt Minh và xin đầu hàng cách mạng. Đúng 10 giờ ngày 23 tháng 8 năm 1945 trước hàng nghìn quần chúng, ông Nguyễn Côn, thay mặt Việt Minh huyện tuyên bố thủ tiêu bộ máy chính quyền tay sai của Nhật, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời huyện Thanh Chương gồm 9 ủy viên.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện kết thúc thắng lợi. Chính quyền cách mạng lãnh đạo quần chúng cùng với lực lượng tự vệ chiếm các đồn lính bảo an trong huyện. Cai đội và binh lính các đồn đầu hàng và giao cho cách mạng 60 khẩu súng. Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh nhân dân các tổng, xã đã tiến hành mít tinh, diễn thuyết, biểu tình thị uy bắt bọn Tổng lý, hương chức giao nạp con dấu và sổ sách cho cách mạng, đồng thời tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng ở địa phương mình. Cuộc khởi nghĩa kết thúc nhanh gọn trong hai ngày.
Đình Hà – Thành Trung. Trung tâm VH, TT&TT huyện.