ĐĂNG NHẬP  
image banner
       
Thanh Chương: Công bố Di sản văn hoá phi vật thể Lễ hội Đền Bạch Mã.
Lượt xem: 200
Tiếp tục chương trình lễ hội Đền Bạch Mã, vào lúc 19h30 tối 9/2, tại sân Đền Bạch Mã đã diễn ra chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội , công bố Di sản văn hoá phi vật thể Lễ hội Đền Bạch Mã và hội thi nữ sinh thanh lịch. Cùng tham dự có các đồng chí Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch;  Nguyễn Nam Đình - Ủy viên BTV tỉnh ủy- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ở huyện có các đồng chí lãnh đạo  huyện, con em quê hương cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện.

Mở đầu là chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng lễ hội Đền Bạch Mã năm 2023 do các hạt nhân Trung tâm VHTT&TT và cộng tác viên huyện biểu diễn được dàn dựng công phu  chu đáo với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước. Cùng với sự đầu tư của hệ thống âm thanh, ánh sáng và sân khấu hiện đại nên các tiết mục văn nghệ đã góp phần làm cho không khí của buổi lễ vui vẻ và náo nhiệt hơn, được du khách và nhân dân đánh giá cao.

Anh-tin-bai

Đồng chí Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao  Bằng công nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Đền Bạch Mã cho lãnh đạo huyện Thanh Chương và xã Võ Liệt.

Sau chương trình văn nghệ chào mừng, Ban tổ chức đã tổ chức lễ công bố và đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đền bạch mã. Tại đây, các đồng chí Nông Quốc Thành- Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trực tiếp trao Quyết định cho lãnh đạo huyện Thanh Chương và xã Võ Liệt. Đây là niềm vinh dự, tự hào nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao mà huyện Thanh Chương và xã Võ Liệt cần phải giữ gìn và phát huy giá trị của di tích.

Anh-tin-bai

Đồng chí Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện trao giải nhất Hội thi nữ sinh thanh lịch cho thí sinh Cao Việt Hà.

Tiếp đến là Hội thi nữ sinh thanh lịch với sự tham gia của 14 thí sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn huyện. Mỗi thí sinh tham gia hội thi đều phải trải qua 4 phần thi đó là trình diễn áo dài, trang phục tự chọn, năng khiếu và ứng xử. Qua các phần thi cho thấy: công tác chuẩn bị của Ban tổ chức cũng như các thí sinh rất chu đáo, từ trang phục đến kiến thức. Các thí sinh tham gia Hội thi ngoài để được giao lưu, học hỏi lẫn nhau còn là dịp để thể hiện tài năng và sự sáng tạo của bản thân mình nên đã tham gia rất nhiệt tình và phấn khởi. Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho thí sinh  Cao Việt Hà học sinh trường THPT Nguyễn Cảnh Chân, giải nhì cho 2 thí sinh Nguyễn Trà My và Nguyễn Ngân Hà, 3 giải 3 và 8 giải khuyến khích cho các thí sinh còn lại. Đây là hoat động thường niên, đồng thời cũng là điểm nhấn của lễ hội nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh, đơn vị được giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Đồng thời cũng là hoạt động để giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ nhận biết sâu sắc về những giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam và những nét đẹp của quê hương, đất nước.

           Sáng nay, ngày 10/2 Ban tổ chức lễ hội Đền Bạch Mã đã tổ chức lễ tế thần tại Đền Bạch Mã. Các đồng chí lãnh đạo HU-HĐND-UBND-UBMTTQ huyện do đồng chí Nguyễn Hải Dương - Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện dẫn đầu, đại diện các phòng, ban, ngành cấp huyện, cấp ủy chính quyền các địa phương cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn và du khách thập phương đã đến tham dự buổi lễ.

Anh-tin-bai

Các đồng chí lãnh đạo huyện tiễn cỗ vào cung điện.

Lễ tế thần Bạch Mã diễn ra trong không khí trang nghiêm với sự chuẩn bị chu đáo của ban hành lễ. Diễn văn tế thần đã nhấn mạnh: Đền Đền Bạch Mã được lập để thờ danh tướng Phan Đà người thôn Chi Linh xã Võ Liệt huyện Thanh Chương từng giúp Bình Định Vương Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông hy sinh khi mới 24 tuổi trong một trận đánh ác liệt. Đánh giá công lao của ông, sau này khi lên ngôi vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đã truy phong cho ông là “Đô Thiên Đại Đế Bạch Mã Thượng Đẳng Phúc Thần”  cho lập đền thờ và liệt vào hàng “Điển lễ Quốc tế”, nghĩa là tế lễ theo nghi thức nhà nước do quan triều đình làm chủ tế. Về sau, các triều đại phong kiến đã tiếp tục sắc phong hơn 100 đạo sắc và gia phong là Thượng Thượng Thượng Đẳng  tối linh tôn thần.

Anh-tin-bai

Ban hành lễ đang thực hiện các nghi lễ truyền thống cũng thần Bạch Mã.

Đền Bạch Mã cũng là nơi ghi dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn với các sự kiện chinh phục phương Nam của nhiều triều đại phong kiến, nhiều bậc vua chúa đã từng đến dâng hương và lưu trú tại đền.  Trong cao trào cách mạng 1930-1931, Đền Bạch Mã được sử dụng để tổ chức các hoạt động bí mật của tổ chức Nông hội xã Võ Liệt. Năm 1945, nhân dân tổng Võ Liệt đã tập trung tại đền trước lúc Đến huyện đường lật đổ chính quyền thực dân phong kiến và rất nhiều sự kiện quan trọng khác.Tại lễ tế thần, các đồng chí lãnh đạo huyện, các đại biểu về tham dự buổi lễ đã dâng nén hương thơm nhằm tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới thần Bạch Mã và các bậc cao nhân đã có công lớn với dân với nước. Sau lễ tế thần Bạch Mã, BTC cũng đã tiến hành trao giải cho các đội tuyển có thành tích xuất sắc trong các hoạt động tham gia lễ hội. Theo đó, môn bóng chuyền nam: giải nhất đã thuộc về đội cụm Đại Đồng, Giải nhì cụm Cát Ngạn và đồng giải 3 cho các đội cụm Hoa quân và Bích Hào. Về môn vật cù: Giải nhất thuộc về đội Võ Liệt, giải nhì thuộc về đội Thanh Thủy và giải 3 thuộc về đội Thanh Hà. Môn bóng đá nam: giải nhất thuộc về đội Thanh Chương 1, giải nhì thuộc về đội Nguyễn Cảnh Chân và đồng giải 3 thuộc về các đội Nguyễn Sỹ Sách và Thanh Chương 3. Môn kéo co: Giải nhất thuộc về cụm Cát Ngạn, giải nhì thuộc về Cụm Đại Đồng.

          Như vậy, sau 2 ngày diễn ra Lễ hội Đền Bạch Mã đã kết thúc thành công. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên nên các hoạt động tham gia Lễ hội Đền Bạch Mã đều tạo được dấu ấn. Đặc biệt là sau 3 năm tổ chức hạn chế do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 năm nay lễ hội Đền Bạch Mã đã được tổ chức lại với quy mô hoành tráng hơn nên đã thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân và du khách thập phương đến tham gia. Giữ gìn phát huy giá trị di tích, tổ chức lễ hội truyền thống Đền Bạch Mã là một việc làm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tỏ lòng biết ơn đối với các  bậc tiền nhân đã có công với muôn dân trăm họ. Là việc làm thiết thực phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước có tác dụng giáo dục sâu sắc đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Mặt khác việc khôi phục và phát huy lễ hội Đền Bạch Mã còn là điều kiện để giao lưu, hội nhập giữa xã Võ Liệt vói riêng, huyện Thanh Chương nói chung với mọi miền đất nước.

                                                                                                                                                  Lan Anh - Trung tâm VHTT&TT huyện

 

 

 

Tin tức
  • Hội nghị chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" năm 2022.
1