10/04/2023
Thanh Chương: Góp ý dự thảo Đề án phát triển sản xuất hữu cơ gắn với liên kết chuỗi giá trị cây chè, cây ăn quả có múi giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Lượt xem: 72
UBND huyện vừa tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Đề án phát triển sản xuất hữu cơ gắn với liên kết chuỗi giá trị cây chè, cây ăn quả có múi cam, bưởi giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Lê Đình Thanh - Phó chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị còn có các nhà khoa học, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị tư vấn và các hộ trồng chè trên địa bàn huyện.
Các đại biểu về tham gia dự hội nghị.
Theo đề án phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 348 ha chè hữu cơ, 60 ha cam và 85 ha bưởi hữu cơ. Hình thành từ 1-2 chuối liên kết giá trị trong tất cả các khâu từ trồng cây, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Phấn đấu đến năm 2030 toàn huyện có 548 ha chè hữu cơ, 100-105 ha cam hữu cơ và 122 ha bưởi hữu cơ. Hình thành 3-4 chuỗi liên kết giá trị sản xuất hữu cơ trong tất cả các khâu từ trồng cây - chế biến - bảo quản và tiêu thụ. Thu hút đầu tư xây dựng mới ít nhất 2 cơ sở thu mua chế biên hoa quả. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tham gia thảo luận, các ý kiến đã khẳng định việc ban hành đề án là một chủ trương đúng nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích cũng như góp phần tạo cho sản phẩm phát triển bền vững. Bởi Thanh Chương là huyện có diện tích chè lớn nhất tỉnh với gần 5000 ha và điều kiện tự nhiên rất phù hợp để trồng và phát triển cây có múi như cam và bưởi. Hiện nay, Cam tổng đội đã được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận. Vì vậy nâng cao giá trị của sản phẩm là việc làm cần thiết.


Các đại biểu tham gia phát biểu ý kiến.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã bổ sung vào những nội dung còn thiếu và chưa phù hợp trong đề án như thực trạng về đất, nguồn nước ở những nơi thực hiện mô hình, đặc điểm của mô hình, khi triển khai mô hình cần thực hiện tập trung ở 1 số điểm. Trên cơ sở nguồn kinh phí của dự án, cần căn cứ vào mức đầu tư để lựa chọn diện tích tham gia mô hình phù hợp. Trong thời gian thực hiện mô hình sản phẩm của người dân tính như thế nào, ai thu mua và thu mua với giá như thế nào? Khi thực hiện đề án cần chú ý đến tính lâu dài và bền vững. Tăng cường thu hút các doanh nghiệp về trên địa bàn để liên kết chuỗi giá trị sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Đồng chí Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch huyện phát biểu kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch huyện đã đề nghị: Đơn vị tư vấn cần tiếp thu toàn bộ các ý kiến của của các chuyên gia, cơ quan, doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị để chỉnh sửa lại phù hợp từ nội dung đến số liệu. Phòng nông nghiệp phối hợp với đơn vị quy hoạch, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, các xưởng chế biên chè thống nhất số liệu cụ thể, cách thức thực hiện, giá cả thu mua trong và sau khi thực hiện mô hình. Đối với cây cam và cây bưởi diện tích làm sản phẩm hữu cơ sẽ có thể nâng lên, riêng đối với cây chè cần xem xét và tính toán lại kỹ lưỡng. Khi chỉnh sửa, Đề án cần phải xây dựng lộ trình và kinh phí thực hiện cụ thể, phấn đấu diện tích chè hữu cơ đến năm 2025 đạt khoảng 5ha trở lên. Theo đó, nhiệm vụ cụ thể từ nay đến năm 2025 là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức để người dân yên tâm về việc sản xuất theo hướng hữu cơ và xây dựng được mô hình chè, cam, bưởi hữu cơ.
Lan Anh - Trung tâm VHTT&TT huyện