Thanh Chương: Những dấu ấn trong sản xuất nông nghiệp Thanh Chương.
Năm 2023 là năm mà ngành nông nghiệp huyện Thanh Chương đã dành được nhiều dấu ấn quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế huyện nhà phát triển. Sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ được đẩy mạnh. Đặc biệt là bước đầu hình thành lên các trang trại sản xuất hữu cơ hiệu quả.
Là một trong nhiều hộ dân ở
xã Thanh Đức, xác định phát triển kinh tế vườn đồi là hướng đi chủ lực của gia
đình mình, với lợi thế có diện tích đất đồi rộng, năm 2016 gia đình chị Nguyễn
Thị Hường đã bắt đầu cải tạo 6ha vườn tạp để trồng cây ăn quả hàng hoá với các
loại cây trồng chính là Cam và Bưởi các loại. Trong quá trình phát triển kinh tế
vườn đồi chị đã rút ra kinh nghiệm nếu trồng và phát triển cây cam hàng hoá
theo hướng thông thường thì hiệu quả kinh tế mang lại không cao mà lại ảnh hưởng
đến sức khoẻ của bản thân và người tiêu dùng. Chính vì thế nên gia đình chị quyết
định chuyển hướng sang sản xuất xuất hữu cơ. Đây là phương thức sản xuất chỉ sử
dụng phân bón hữu cơ, nói không với các chất hoá học và chất bảo quản độc hại.
Thời gian đầu thực hiện hơi vất vả nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của gia đình đến
nay trang trại của anh chị đã được cấp chứng nhận là trang trại hữu cơ. Hiện tại,
gia đình chị có 2500 gốc cam và 500 gốc bưởi các loại. Nhờ trồng và chăm sóc
theo hướng hữu cơ nên các sản phẩm của gia đình anh chị đã được nhiều thị trường
khó tính biết đến như Vinh, Hà Nội, Sài Gòn, Đã Nẵng,… biết đến với giá rất
cao, 1 kg 60 ngàn đồng. Mỗi năm trừ các khoản chi phí gia đình chị còn lãi ròng
1 tỷ đồng. Chị Nguyễn Thị Hường vui mừng
cho biết: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ
nó không khó mà chỉ mất công nhiều hơn đó là bọc quả và mua phân chuồng, cá về ủ
rồi để bón cho cây.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thăm mô hình cam hữu cơ của gia đình chị Nguyễn Thị Hường.
Ngoài trang trại cam của gia
đình chị Hường, ở xã Thanh Đức còn có trang trại cam của gia đình anh Trần Điển
Vi ở xóm Sướn cũng đã được chứng nhận sản xuất hữu cơ đến nay là 4 năm. Hiện
nay, Cam của gia đình anh đã phân phối cho 40 đại lý lớn trong cả nước.
Cùng với việc sản xuất hữu
cơ, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng đã được các địa phương quan tâm
và chú trọng. Ngoài các loại cây trồng truyền thống thì nhân dân còn đẩy mạnh
việc trồng và phát triển cây bí xanh, bước đầu đã hình thành các chuỗi liên kết
trong sản xuất và tiêu thụ nông sản nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế
về đất đai, thổ nhưỡng và các đặc sản truyền thống của địa phương. Đến thời điểm
này, toàn huyện đã có trên 100 ha. Là một trong nhiều người dân có nhiều kinh
nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, từng trồng nhiều loại cây hàng hoá nhưng ông
Bạch Sỹ Xuân ở xóm Phú Thắng xã Thanh Yên khẳng định: Trong tất các các loại
cây trồng ngắn ngày thì chưa có loại cây nào mang lại giá trị kinh tế cao như
cây bí xanh. Ông Bạch Sỹ Xuân phấn khởi
nói: Năm ngoái tôi trồng chưa đến 2ha
bí xanh nhưng bán được trên 820 triệu đồng trừ các khoản chi phí tôi còn lãi
trên 600 triệu đồng nên năm nay tôi mở rộng diện tích lên 5 ha.

Ông Bach Sỹ Xuân đang chăm sóc gần 5ha bí xanh đang trong quá trình sinh trưởng và phát triển.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ
trương mỗi xã một sản phẩm với sự nỗ lực của các chủ thể và HTX, doanh nghiệp
trên địa bàn nên năm 2023 toàn huyện đã có thên 14 sản phẩm được công nhận sản
phẩm OCOP 3 sao, góp phần nâng tổng các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện lên 34
sản phẩm. Đặc biệt hơn, hiện nay các hộ gia đình có sản phẩm OCOP đang tích cực
triển khai các giải pháp để quản bá các sản phẩm OCOP của địa phương. Trong đó,
tiêu biểu có gia đình anh chị Yến Khắc ở xóm Trường Xuân xã Xuân Tường. Chị Nguyễn Thị Hải Yến cho biết thêm: Hiện nay, cơ sở chúng tôi đã có 4 sản phẩm đạt
tiêu chuẩn OCOP. Để nâng cao giá trị của sản phẩm thời gian tới cơ sở chúng tôi
tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã các sản phẩm OCOP. Ngoài
ra, để quảng bá thương hiệu của các sản phẩm Ocop địa phương, chúng tôi còn lựa
chọn, thiết kế các sản phẩm OCOP làm các giỏ quà để bán cho khách làm quà lưu
niệm, quà tết. Phấn đầu năm 2024 sẽ có thêm 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3
sao.

Chị Nguyễn Thị Hải Yên đang sắp xếp gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP tại gia.
Có thể nói năm 2023 là năm
mà huyện Thanh Chương đã triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp
để phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nhờ vậy nên cơ cấu kinh tế
chuyển dịch đúng hướng, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, bộ mặt
nông thôn có nhiều khởi sắc. Tổng sản lượng lượng thực đạt 113.500 tấn. Trong
cơ cấu nội bộ ngành, trồng trọt có xu hướng giảm dần diện tích, tăng năng suất
và hiệu quả thông qua chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh áp dụng quy trình canh
tác tiên tiến, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa trong sản xuất
và thu hoạch. Những kết quả này sẽ là đòn bẩy quan trọng để nông nghiệp Thanh
Chương thể hiện vai trò chủ lực trong ngành kinh tế huyện nhà. Ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện
khẳng định: Có thể nói năm 2023 là
năm mà ngành nông nghiệp huyện nhà gặt hái được nhiều kết quả quan trọng góp phần
thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Trên cơ sở đó, năm 2024 chúng tôi tiếp
tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong đó tập trung chủ yếu vào 2 mũi chính
đó là nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp du lịch.
Năm 2024 là năm gần cuối thực
hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 31, năm diễn ra nhiều sự kiện trọng
đại của quê hương, đất nước đó là lễ kỷ niệm 555 năm danh xưng Thanh Chương và
94 năm ngày truyền thống của quê hương, chính vì thế ngay từ đầu năm, các cấp
các ngành, cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở đã tổ chức phát động rộng rãi các
phong trào thi đua để thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Hi
vọng rằng từ những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, bằng những giải
pháp thiết thực và hiệu quả sẽ là tiền đề, động lực để thúc đẩy nền nông nghiệp
huyện nhà phát triển bền vững.
Lan
Anh - Trung tâm VHTT&TT huyện