ĐĂNG NHẬP  
image banner
       
Xã Phong Thịnh – Phát huy truyền thống, chung tay xây dựng xã nông thôn nâng cao.
Lượt xem: 69

Trải qua 56 năm xây dựng và phát triển, xã Phong Thịnh đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước khẳng định mình trong hành trình đổi mới. Từ một vùng quê thuần nông còn nhiều khó khăn, hôm nay Phong Thịnh đã mang một diện mạo mới: hiện đại, khang trang và đáng sống. Thành quả này là kết tinh của ý Đảng, lòng dân, là sức mạnh đoàn kết từ cấp ủy, chính quyền đến mỗi người dân. Việc xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ và bền vững của một miền quê giàu truyền thống cách mạng.

Phong Thịnh là vùng quê thanh bình nằm cạnh dòng sông Giăng hiền hòa, nơi đây không chỉ có nhiều đặc sản nổi tiếng như cá mát sông Giăng, măng chợ Chùa, trám, nhút, mà còn được biết đến là một vùng đất có bề dày văn hóa và lịch sử, nơi có những con người cần cù lao động, hiếu học, năng động và sáng tạo; có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, là những nhà doanh nhân, doanh nghiệp thành đạt luôn một lòng hướng về quê hương, đất mẹ. Theo lịch sử để lại, trong những năm 1820, Phong Thịnh ngày nay thuộc xã La Mạc, tổng Cát Ngạn. Vào thời Minh Mệnh thứ 7, năm 1826 tổng Cát Ngạn thuộc huyện Thanh Chương - Phủ Anh Sơn được thành lập và Phong Thịnh thuộc vùng đất của thôn Văn Ba- xã La Mạc với tổng số cử tri lúc bấy giờ là 319 người. Từ sau Cách mạng tháng Tám, Phong Thịnh được chia thành 2 vùng. Vùng trong gọi là Minh Chung thuộc xã Tam Đồng, vùng ngoài là Văn Ba thuộc xã Cát Văn. Năm 1954, thực hiện chủ trương phân chia lại địa bàn hành chính cấp xã của Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu 4 thì vùng đất Phong Thịnh được tách thành địa bàn 2 xã là Thanh Bình và Thanh Chung. Năm 1969, theo đề nghị của UBND huyện Thanh Chương và tỉnh Nghệ An, Bộ Nội vụ đã ra quyết định 159 ngày 24/3/1969 sáp nhập 2 xã Thanh Bình và Thanh Chung thành xã Phong Thịnh cho đến ngày hôm nay.

Anh-tin-bai

Xã Phong Thịnh nhìn từ trên cao.

Truyền thống yêu nước và cách mạng đã ngấm sâu vào từng người dân nơi đây. Ngay từ những năm 1930, nhân dân Phong Thịnh đã tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đấu tranh chống thực dân phong kiến. Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên tại Thanh Chương được thành lập tại La Mạc (nay thuộc Phong Thịnh), đánh dấu bước ngoặt trong phong trào cách mạng của huyện nhà.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, con em Phong Thịnh luôn nêu cao tinh thần yêu nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Quê hương đã tiễn hàng trăm thanh niên vào bộ đội, tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường. Trong số đó, có 228 người con quê hương đã anh dũng hy sinh và được công nhận là Liệt sỹ, 182 người là thương binh, bệnh binh, 35 người được công nhận bị nhiễm chất độc hóa học; 245 người đang hưởng chế độ Người có công; 823 cá nhân và 535 gia đình được tặng thưởng Huân- Huy chương các loại; 986 người tham gia Dân công hỏa tuyến. Đặc biệt, xã có 18 bà mẹ đã được tặng và truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, có 3 Anh hùng LLVT - đó là Anh hùng- Đại Tá Đặng Đình Hồ; Anh hùng-Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Độ và Anh hùng Liệt Sỹ Nguyễn Phi Hùng; Ông Nguyễn Ngọc Lài vinh dự 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Phong Thịnh cũng là nơi đứng chân của nhiều đơn vị quân đội, bệnh viện dã chiến như Quân Y Viện IV, Xí nghiệp dược Nghệ An, Xưởng đóng tàu Hải Phòng.

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

Chân dung các đồng chí anh hùng xã Phong Thịnh.

Bước vào thời kỳ đổi mới, xã Phong Thịnh không ngừng vươn lên, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, tạo diện mạo mới cho quê hương.

Anh-tin-bai

Người dân tích cực làm đường bê tông nông thôn, bê tông nội đồng.

Bắt đầu hành trình xây dựng Nông thôn mới từ năm 2010, Phong Thịnh gặp không ít khó khăn khi hạ tầng chưa hoàn thiện, thu nhập bình quân đầu người thấp, đời sống nhân dân còn nhiều vất vả. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, cùng tinh thần đoàn kết của nhân dân, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2019. Không dừng lại ở đó, Phong Thịnh tiếp tục hành trình hướng tới Nông thôn mới nâng cao, đặt ra những mục tiêu cao hơn về thu nhập, văn hóa, môi trường và chất lượng cuộc sống. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020- 2025 đã xác định rõ “Phấn đấu trong nhiệm kỳ hoàn thành chương trình xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao”. Xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và xuyên suốt của địa phương. Vì vậy, cả hệ thống chính trị đã tập trung lãnh đạo, Nhân dân đoàn kết một lòng, phát huy mạnh mẽ nội lực, tranh thủ ngoại lực, khắc phục mọi khó khăn để phấn đấu hoàn thành.

Là xã thuần nông, Phong Thịnh xác định phát triển kinh tế nông thôn phải bắt đầu từ nông nghiệp. UBND xã đã triển khai hai đề án trọng điểm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế trang trại, giai đoạn 2021–2025. Đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, kinh tế vườn có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình vườn mẫu với cây trồng truyền thống như trám đen, cam bù, bưởi... cho thu nhập cao. Đặc biệt, sản phẩm cam bù Phong Thịnh đã đạt COP hạng 3, được cấp mã vùng trồng, mã truy xuất nguồn gốc và quảng bá rộng rãi trên sàn thương mại điện tử. Trong chăn nuôi, nhiều mô hình trang trại, gia trại cũng được đầu tư phát triển, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Riêng vùng đất Bãi Giăng với diện tích 21ha nằm ven sông Giăng và sông Lam, trước đây chủ yếu canh tác nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao. Năm 2023, xã đã có chủ trương tích tụ ruộng đất, sản xuất theo hướng hàng hóa chuyên nghiệp. Hiện đã triển khai mô hình trồng cây ăn quả giá trị cao trên diện tích 2ha, bước đầu mang lại tín hiệu khả quan.

Anh-tin-bai

Mô hình nuôi lợn nái sinh sản có hiệu quả kinh tế cao.

Anh-tin-bai

Mô hình trồng ổi Lê Đài Loan của ông Võ Văn Hùng tại bãi bồi sông Giăng cho thu nhập cao.

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Phong Thịnh đã tích cực đẩy mạnh phát triển các ngành nghề, dịch vụ và thương mại như xây dựng, mộc, cơ khí, kinh doanh xe ô tô vận tải, máy múc, và buôn bán. Đặc biệt, công tác xuất khẩu lao động đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể. Hiện nay, có hơn 250 lao động địa phương đang làm việc tại nước ngoài, đóng góp vào việc cải thiện thu nhập và chất lượng sống. Nhờ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi nên thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 40,2 triệu đồng; năm 2024 tăng lên 57,15 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo hiện nay giảm xuống còn 2,54%. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, xã đã tiến hành phân bổ 1.000 tấn xi măng từ nguồn hỗ trợ của Tỉnh kết hợp với sự đóng góp của Nhân dân, xã đã làm mới được 10,7km đường bê tông, đồng thời duy tu bảo dưỡng các tuyến đường đã được cứng hóa, phát sẻ hành lang giao thông, khắc phục, sửa chữa nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn. Năm 2024 địa phương cũng đã tiến hành mở rộng, tôn tạo Nghĩa trang Liệt sĩ với kinh phí hơn 3 tỷ đồng, hoàn thành dự án đường bê tông Cầu Trường đi Sơn Thành với kinh phí hơn 4 tỷ đồng, triển khai dự án nạo vét mương Bàu Lim giai đoạn 1, Trên địa bàn xã có 3 trạm bơm gồm Trạm bơm Làng Hoa, Chợ Chùa, Đò Gành với tổng công suất là 1000 m3/h. Toàn bộ các công trình trạm bơm và hệ thống kênh mương tưới đảm bảo phục vụ đáp ứng nhu cầu tưới chủ động cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân.

Anh-tin-bai

Các nhà văn hóa xóm được đầu tư các thiết bị, dụng cụ luyện tập thể dục thể thao.

Bên cạnh đó, UBND xã đã chỉ đạo các xóm huy động Nhân dân và đóng góp 900 triệu đồng để mua sắm bàn ghế nhà văn hóa, loa máy, dụng cụ tập luyện thể thao ngoài trời. Và hiện nay, UBND xã đang phối hợp với các nhà thầu triển khai các dự án nhà Đa chức năng trường Mầm non và dự án đường bê tông liên xóm Hòa Thịnh- Sơn Thành với kinh phí 2,5 tỷ đồng. Lĩnh vực văn hóa xã hội cũng có nhiều khởi sắc, toàn xã có 8/8 nhà văn hóa xóm được xây dựng khang trang, đầy đủ trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa” được toàn dân hưởng ứng tích cực. Tỷ lệ gia đình văn hóa năm 2024 đạt 91,8%.

Anh-tin-bai

Quang cảnh đường làng, ngõ xóm luôn được giữ xanh, sạch, đẹp.

Toàn xã có 5 di tích, trong đó có di tích Chùa Chung Linh đang được ban hộ tự và nhân dân kêu gọi xây dựng trở thành điểm du lịch tâm linh của xã nhà. Công tác giáo dục, khuyến học, khuyến tài được quan tâm; 8/8 xóm và nhiều dòng họ đã xây dựng và sử dụng quỹ khuyến học có hiệu quả. Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. Cơ sở vật chất trường TH&THCS, trường MN được tăng cường và hoàn thiện đầy đủ, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay; 100% trẻ em đến tuổi đều được đến trường. Hàng năm số lượng học sinh đậu vào các trường đại học và cao đẳng năm sau tăng hơn năm trước. Phong Thịnh cũng rất tự hào là mảnh đất đã sản sinh ra hàng chục người con được phong tặng các danh hiệu cao quý như Giáo sư, Tiến Sỹ, Anh hùng LLVT, AHLĐ,  và Nhà giáo ưu tú, làm rạng danh quê hương, đất nước. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân luôn được chăm lo; các chương trình quốc gia về y tế được triển khai thực hiện có hiệu quả, Đến nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 96,2 %; tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt 78,09 %; Đại bộ phận Nhân dân luôn nêu cao ý thức về việc giữ gìn vệ sinh môi trường thông qua việc thực hiện đề án thu gom và vận chuyển rác thải tập trung. Đặc biệt, phong trào trồng hoa, cây cảnh dọc các tuyến đường giao thông do hội LHPN phát động được chị em, nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh- sạch- đẹp; Lĩnh vực Quốc phòng - An ninh luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Nhiều năm liền, công tác khám tuyển và giao quân đều đạt và vượt chỉ tiêu giao, công tác huấn luyện dân quân hàng năm đều được cấp trên đánh giá cao, các kỳ tổ chức diễn tập chiến đấu phòng thủ đạt loại tốt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không có vụ việc phức tạp xảy ra, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân làm ăn phát triển kinh tế.

Anh-tin-bai

Trụ sở HĐND - UBND xã Phong Thịnh được xây dựng khang trang.

Nét nổi bật nhất trong quá trình xây dựng NTM nâng cao của xã Phong Thịnh chính là vai trò then chốt của người dân. Chính sự đồng thuận, đoàn kết và tinh thần chủ động, sáng tạo của nhân dân đã trở thành nguồn lực nội sinh mạnh mẽ giúp Phong Thịnh vượt qua mọi khó khăn. Từ việc hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí xây dựng hạ tầng, cho đến việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giữ gìn vệ sinh môi trường, người dân chính là chủ thể thực sự của quá trình đổi mới quê hương. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến công lao, sự đóng góp rất lớn của con em Phong Thịnh trên khắp mọi miền tổ quốc và nước ngoài đã luôn hướng về quê hương, dành cho quê hương những tình cảm thủy chung và sâu nặng. Điển hình như: Gia đình anh Nguyễn Cảnh Sơn - Chủ tịch Tập đoàn Eurowindow đã ủng hộ 1,8 tỷ đồng để xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ, làm đường giao thông, nâng cấp trạm y tế xã. Bên cạnh đó, con em đồng hương còn đóng góp 1,2 tỷ đồng làm đường bê tông, 320 triệu đồng lắp đèn chiếu sáng, 1,4 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa xóm. Sự ủng hộ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của gia đình ông Nguyễn Cảnh Sơn, ông Võ Văn Hồng và rất nhiều người người con quê hương đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để xã Phong Thịnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã đề ra.

Quá trình thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao, xã Phong Thịnh đã huy động tổng nguồn vốn đầu tư trên 32 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 18 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 57,11%. Với sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, cùng với tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của người dân, năm 2024, xã Phong Thịnh đã được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, sự kiện này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của quê hương.

Anh-tin-bai

Đồng chí Võ Thị Nhung – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 1 tập thể và 2 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Xác định xây dựng NTM là quá trình liên tục, không ngừng nghỉ và phải có tính bền vững. Vì vậy, xã Phong Thịnh được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao sẽ là tiền đề, là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân xã nhà tiếp tục nỗ lực phấn đấu hướng đến mục tiêu xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới, Phong Thịnh sẽ tiếp tục tập trung phát triển kinh tế bền vững, xây dựng môi trường sống trong lành, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, phấn đấu trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng Nông thôn mới của huyện Thanh Chương.

Hành trình 56 năm qua đã chứng kiến sự đổi thay vượt bậc, từ cơ sở hạ tầng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Những thành quả hôm nay không phải ngẫu nhiên mà có được, đó là sự kết tinh của biết bao công sức, trí tuệ và tâm huyết của nhân dân Phong Thịnh qua nhiều thế hệ. Từ một vùng quê nghèo, hôm nay Phong Thịnh đã vươn mình mạnh mẽ, hướng đến một tương lai tươi sáng, giàu đẹp và văn minh.

 

Thành Trung – Trung tâm VH, TT&TT huyện.

 
12345678910...
Tin tức
  • Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số QG
1