Hiện nay trên địa bàn huyện, cả 40 xã, thị trấn, hàng năm bà con nông dân ta gieo trồng khoảng 15.000 ha lúa, 6.000 ha ngô, 3.000 ha sắn, 2.000 ha lạc, 2.500 ha đậu, 3.000 ha rau các loại, nhưng chỉ tại 17 xã vùng hữu ngạn sông Lam đã trồng, chăm sóc đến 4.500 ha chè công nghiệp. Có nhiều xã, diện tích chè công nghiệp lớn hơn nhiều lần diện tích các cây trồng khác. Ví dụ, xã Thanh Đức có 869,92 ha chè (cả XN và Tổng đội 2), trong khi đó lúa chỉ 123 ha, ngô 13 ha, sắn 100 ha; xã Thanh Thủy diện tích chè 773,9ha (chưa kể phần diện tích thuộc Xí nghiệp chè Ngọc Lâm), trong khi đó lúa chỉ 133 ha, ngô 48 ha, sắn 160 ha; xã Thanh An diện tích chè 500,4 ha, nhưng lúa chỉ 205 ha, ngô 37 ha, sắn 90 ha; xã Thanh Mai có 587,58 ha chè, nhưng lúa chỉ 360 ha, ngô 28 ha, sắn 50 ha … Thế nhưng, một thực tế là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các đoàn thể đối với cây chè đang còn hạn chế. Nếu thống kê thì số văn bản và hội nghị hàng năm của các cấp để chỉ đạo đối với cây lúa, cây màu thì nhiều nhưng đối với cây chè thì quả thật là không đáng kể, do đó, hiệu quả của cây chè chưa xứng với tiềm năng trên địa bàn huyện.
Đồi chè xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương
Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Huyện Đảng bộ lần thức XXX, đối với cây chè cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Ngành Nông nghiệp và đặc biệt là cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể các xã có chè coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển cây chè là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Đình kỳ tổ chức các hội nghị để quán triệt chủ trương, chính sách, sơ, tổng kết, thi đua, khen thưởng…
2. Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Quy hoạch đối với cây chè chú ý 2 nội dung chính là đất trồng và giống. Đất trồng chè yêu cầu phải có độ dày tầng đất mặt từ 80cm trở lên, có như vậy thì vào những thời điểm hạn nặng mới hạn chế được chè bị chết.
Đối với giống chè, chủ lực dùng giống LDP2, vì đây là giống chịu hạn, năng suất cao, chất lượng cao, ít bị mối, tuy nhiên, phải lưu ý là giống này hóa gỗ nhanh, nên phải hái đúng thời điểm. Trong đợt hạn hán năm 2015 này cho thấy chè LDP2 ít bị chết nhất, còn PH1 thì chế rất nhiều.
Việc quản lý quy hoạch cần thực hiện nghiêm túc. Những hộ nào trồng trên đất không được quy hoạch, không sử dụng giống được ngành Nông nghiệp cho phép thì dứt khoát không được hưởng các cơ chế chính sách. Phải thấm nhuần rằng để dân trồng chè trên đất có tầng đất mặt mỏng, dùng giống không chịu hạn chính là làm hại dân.
3. Thật sự quan tâm đến việc hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trong trồng, chăm sóc chè. Về kỹ thuật, chú những vấn đề sau:
- Trồng chè: Chú ý đào rãnh sâu 40-50cm để rễ chè ăn sâu, hạn chế chè bị chết do hạn. Chè sẽ bền gốc, thời gian kinh doanh dài.
- Bón phân: Bón phân cân đối. Vào mùa nắng to (từ tháng 5 trở đi), nếu bón phân nhiều, nhất là phân đạm mà không tưới được, lại hái bằng máy, chè dễ bị chết do hạn.
- Trồng cây che bóng: Nên trồng cây họ đậu, tán cao, che bóng tốt nhưng không cạnh tranh dinh dưỡng với cây chè (cây tròi là cây có nhiều ưu điểm).
- Đốn chè: Nên đốn vào thời điểm hanh khô, vì như vậy ít nấm bệnh xâm nhập qua vết cắt.
- Nên phun phân vi sinh khi đốn để vi sinh vật có lợi phát triển mạnh làm sạch cây chè, ít bệnh, đất xốp, giàu mùn. Khi chè cho búp, phun phân vi lương, trung lượng qua lá, làm tăng năng suất (phổ biến tăng 20-25%), chống hạn tốt, tăng hiệu quả cho người trồng chè (các loại phân này ngành nông nghiệp đã xây dựng mô hình).
- Hái chè: Hái đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Kỹ thuật trồng, thu hái chè đã có quy chuẩn của Nhà nước, tuy nhiên, phải tổng hợp từ thực tiễn, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương, phát hiện những kinh nghiệm hay để kịp thời khuyến cáo cho dân nhằm tránh tổn thất trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
4. Chỉ đạo quyết liệt công tác thủy lợi cho chè. Hàng năm, trên địa bàn huyện đều có chè bị chết do nắng hạn, riêng hạn hán năm 2015, toàn huyện có 426,15 ha bị chết trên 70%, có 523,47 ha bị chết từ 30-70%. Các vùng trồng chè, nếu đắp các hồ đập nhỏ để trữ nước, đào, khoan giếng thì đều có nước để tưới. Nếu trong mùa hạn chỉ tưới 1-2 lần ở 1/3 đầu mùa hạn thì cũng đã hạn chế được tỷ lệ chè bị chết. Cũng trong mùa hạn 2015, điều đáng buồn là nhiều vườn chè gần kề hồ đập có nước nhưng chè vẫn bị chết, điều đó chứng tỏ một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đôn đốc người trồng chè.
Phan Đình Hà
|