Phát huy lợi thế của địa phương, trong những năm qua, phong trào cải tạo vườn tạp và phát triển kinh tế vườn đồi, trang trại, gia trại trên địa bàn huyện Thanh Chương phát triển mạnh. Từ đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Là huyện miền núi, Thanh Chương có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế VAC. Trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều vườn cây ăn quả có tổng doanh thu cao 400 – 500 triệu đồng/năm. Cá biệt, một số mô hình kinh tế vườn tổng hợp cho tổng doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Trong đó, cây Cam Tổng đội đang là loại cây được phát triển nhiều trong các mô hình VAC và cho thu nhập cao nhất. Nhiều gia đình đã trồng với số lượng lớn thay thế các vườn keo ở các vùng đồi có độ dốc thấp. Là một trong nhiều hộ trồng Cam lâu năm trên địa bàn huyện, ông Võ Văn Kỷ ở xã Thanh Nho rất tự hào khi nói về giá trị thu nhập vườn cam của gia đình mình: Phát triển cây cam có giá trị kinh tế rất cao, hiện nay giá bán tại vườn là 38-40 ngàn đồng/kg, ngày tết giá từ 70-80 ngàn đồng/kg. Như gia đình tôi trung bình mỗi năm thu nhập khoảng 700-1 tỷ đồng.
Cùng với Cam thì Trám đen cũng là cây đem lại giá trị kinh tế khá cao. Sau khi được sự giúp đỡ của Viện nghiên cứu rau quả, hàng năm Hội làm vườn huyện đã tự ghép và nhân giống được 2000 – 3000 cây giống để phục vụ nhân dân. Với đặc điểm quả trám là loại thực phẩm thơm ngon, đang được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, hạn chế của loại cây này là sau khi chín, quả trám không cất giữ, bảo quản được lâu. Vì vậy, để từng bước tiếp cận công nghệ chế biến sau thu hoạch, Hội đang tiến hành sơ chế trám sấy khô và trám muối để sử dụng lâu dài, nhất là phục vụ thị trường dịp tết Nguyên đán. Từ đó, tiến tới làm cơ sở để xây dựng thương hiệu trám Thanh Chương. Ông Nguyễn Bá Quý- P. Chủ tịch Hội làm vườn huyện Thanh Chương: Nói đến hoạt động của Hội làm vườn huyện Thanh Chương trong thời gian qua phải nói đến giá trị kinh tế của các cây ăn quả đặc biệt là Cam, Bưởi, Trám...mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ phát triển các loại cây này mà đã có nhiều hộ gia đình trở thành tỷ phú.
Bên cạnh đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, Hội làm vườn huyện còn phát động các hội viên tích cực trồng các loại rau xanh, cây gia vị, cây ăn quả để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Tính đến nay, toàn huyện đã cải tạo được 30.512 vườn dinh dưỡng, đạt gần 42,5% số hộ có vườn, góp phần đáng kể vào việc giải quyết nhu cầu dinh dưỡng các bữa ăn của mỗi gia đình. Từ đó, không những góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập mà còn đảm bảo cảnh quan môi trường xanh sạch, đẹp.
Để trang bị và cung cấp thêm các kiến thức về KHTK cho các hội viên trong phát triển kinh tế bền vững, thời gian qua Hội làm vườn huyện Thanh Chương đã phối hợp tổ chức được gần 500 lớp tập huấn KHKT cho hội viên. Chỉ tính riêng trong năm 2014, hội đã tổ chức được 102 lớp trồng trọt, chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên để tận dụng và phát huy hết các tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong thời gian tới Huyện ủy, UBND huyện sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để cán bộ, hội viên Hội làm vườn huyện phát triển đúng hướng và xứng tầm với địa phương. Trong đó, chú trọng đến việc xây dựng các thương hiệu của địa phương đã xác định trong nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Phan Đình Hà - nguyên Chủ tịch Hội làm vườn huyện Thanh Chương nói tiếp: Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh những cây con truyền thống có giá trị kinh tế cao, đồng thời mạnh dạn áp dụng những tiến bộ KHKT, những loại giống mới vào trồng thử nghiệm để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn với phương châm sinh hoạt tại vườn.
Phát huy lợi thế của địa phương, thời gian tới, huyện Thanh Chương tiếp tục khai thác các tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, trong đó có kinh tế vườn đồi, trang trại. Những kết quả đã đạt được trong thời gian qua sẽ là tiền đề, động lực để người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế kinh tế VAC, kinh tế trang trại nhằm nâng cao thu nhập. Từ đó, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đảng bộ các xã thị trấn nhiệm kỳ 2015-2020 và Nghị quyết Đại hội huyện đảng bộ lần thứ 30.
Lan Anh
|