ĐĂNG NHẬP  
image banner
       
Thanh Chương: Tăng giá trị trên đơn vị diện tích đất sản xuất
Lượt xem: 532
Nói về Thanh Chương, nhiều người thường cho rằng đây là huyện có tiềm năng đất đai để phát triển kinh tế. Và khi tìm hiểu, đất ở đây có rộng thật nhưng đất cho năng suất cao, hữu dụng để làm ra “tiền” thì lại ít.

Nói về Thanh Chương, nhiều người thường cho rằng đây là huyện có tiềm năng đất đai để phát triển kinh tế. Và khi tìm hiểu, đất ở đây có rộng thật nhưng đất cho năng suất cao, hữu dụng để làm ra “tiền” thì lại ít.

Tính riêng đất lâm nghiệp với tổng số hơn 67 nghìn ha, chỉ có 27 nghìn ha được giao cho hộ gia đình (số lớn còn lại do Ban Quản lý rừng phòng hộ, Tổng đội TNXP, Trại giam số 6 và các đơn vị lực lượng vũ trang quản lý). Và trong số 27 nghìn ha đất lâm nghiệp này cũng chỉ có 10 nghìn ha trồng keo, còn lại là cây thông, đồi núi trọc. 22 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó 8 nghìn ha lúa; 4 nghìn ha màu; 4 nghìn ha chè; 3 nghìn ha đất đồi bạc trồng sắn; 3 nghìn đất thổ cư và vườn hộ gia đình để trồng cây lâu năm như tre, chuối, cây ăn quả.

Trong 8 nghìn ha lúa, chỉ có 4 nghìn ha đất phù sa làm được 1 vụ, 1 vụ không ăn chắc, thậm chí các xã vùng Bích Hào một năm có 3 tháng ngập lụt không sản xuất được. 4 nghìn đất màu chủ yếu trồng ngô, khoai lang, lạc, đậu xanh... Trước tình trạng có quá nhiều diện tích đất sử dụng kém hiệu quả, thu nhập trên đơn vị diện tích đạt thấp, Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Thanh Chương khóa XXIX (nhiệm kỳ 2010 – 2015) đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu tăng thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đạt 50 triệu đồng/ha/năm, trong đó giao cho UBND huyện chỉ đạo, điều hành triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi ruộng đất tạo thành những vùng chuyên canh và chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các diện tích sản xuất kém hiệu quả.

Đến thời điểm này sau hơn hai năm rưỡi chỉ đạo thu bình quân trên đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện Thanh Chương đã vượt chỉ tiêu đại hội129%, tương đương giá trị bình quân đạt hơn 64 triệu đồng/ha/năm.

Chuyển đổi cây rau màu trên diện tích kém hiệu quả ở Thanh Yên.

Tại xã Thanh Lĩnh, thực hiện chủ trương, nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vào từng vụ sản xuất, trên cơ sở định hướng, các chương trình, dự án của huyện, Đảng ủy tiếp tục ban hành nghị quyết ở từng vụ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó nêu cao vai trò đầu tàu, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Trong 160 ha lúa chủ yếu cơ cấu lúa lai để lấy sản lượng, UBND xã đưa các giống lúa mới chất lượng như Thịnh Dụ, Sin6... vào sản xuất trên 50 ha. 100 ha đất màu với ngô, lạc, đậu xanh thì bây giờ có khoảng 2/3 trong số đó diện tích được cơ cấu cây trồng có giá trị hàng hóa, gồm: xu hào, cà chưa, bí đỏ, bí xanh, dưa đỏ, hoa... Tiêu biểu như thôn Hồng có 100% đất màu được trồng 2 loại cây chủ lực bí xanh, dưa chuột suốt cả 3 vụ trong năm. Bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng thôn Hồng, Nguyễn Văn Trường, chia sẻ: “Trước đây, đất màu chỉ trồng ngô, đậu xanh cho thu nhập 40 – 50 triệu đồng/ha/năm, nay chuyển sang trồng bí xanh, bí đỏ, dưa chuột tăng thu nhập trên 300 triệu đồng/ ha/năm.

Đơn cử như gia đình tôi làm một sào rưỡi màu, chỉ riêng xây bí xanh trong 1 vụ (3 tháng) đã thu 15 – 18 triệu đồng rồi”. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc chỉ đạo chuyển đổi thành công các giống lúa mới, cây trồng mới, đã góp phần tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích, đạt bình quân 70 triệu đồng/ha/năm, thu nhâp, bình quân đạt khoảng 20 triệu đồng/ người/năm; đời sống bà con nhân dân Thanh Lĩnh được cải thiện đáng kể.

Không chỉ ở Thanh Lĩnh, nhiều đảng bộ trong huyện Thanh Chương cũng chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với chuyển đổi ruộng đất, ứng dụng KHKT. Xã Thanh Yên địa hình trũng, chỉ có vụ xuân là ăn chắc, còn vụ hè thu nếu lũ tiểu mãn về sớm là công cốc, vụ đông chỉ làm ở vùng đất cao, ruộng bỏ hoang. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện, vụ đông năm 2012 xã đã chỉ đạo đưa 90 ha ngô, đậu cô ve và rau màu các loại vào sản xuất ở vùng ruộng thấp thành công, tạo thêm 1 mùa vụ và tạo ra giá trị tăng thêm trên cùng đơn vị diện tích ở 90 ha. Hay xã Thanh Liên, trước đây đất màu chỉ trồng ngô, khoai lang truyền thống hiệu quả thấp và chỉ 2 mùa vụ đông xuân và hè thu.

Bây giờ, cũng chính đồng đất ấy nhưng trên những cánh đồng các xóm Liên Yên, Liên Long, Liên Hương... cây trồng đã xanh ngắt 4 mùa cho thu nhập cao như dưa hấu (120 triệu đồng/ha/vụ); bí xanh (160 triệu đồng/ha/vụ); khoai tây; đậu cô ve, rau cải... Nhờ thay đổi cơ cấu cây trồng nên mùa vụ tăng lên thành 3 vụ đông xuân, hè thu và vụ đông xen canh, tăng hệ số quay vòng đất lên 4 lần trong năm. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên Phan Bá Ngọc, cho rằng: Bên cạnh nâng cao thu nhập cho người nông dân, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần làm thay đổi lớn trong tư duy sản xuất hàng hóa ở một địa phương tưởng như khó thay đổi được...

Có thể nói, sự quyết tâm của từng địa phương đã tạo nên bức tranh nông nghiệp Thanh Chương nhiều sắc màu hơn. Về cây lúa, tổng sản xuất lương thực có hạt đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, năm 2011 đạt 111.183 tấn; năm 2012 đạt 109.570 tấn và 6 tháng đầu năm 2013 đạt 83.057 tấn (mục tiêu đại hội 100.000 – 110.000 tấn/năm). Cùng với cây lúa, từ lợi thế hệ thống thủy lợi tưới, tiêu được xây dựng tốt hơn gắn với việc chỉnh trang đồng ruộng theo chủ trương chuyển đổi ruộng đất, xây dựng nông thôn mới; nắm bắt được sự “manh nha” làm kinh tế hàng hóa của người dân, Thanh Chương đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng một số cây cho thu nhập cao như bí xanh, dưa đỏ, khoai tây, ngô nếp, hoa...; đặc biệt là chuyển sang trồng mía, từ 2 ha (năm 2011) đến nay là 241 ha.

Đồng chí Đặng Anh Dũng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, chia sẻ: Nhờ lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; tăng cường kiểm tra, sâu sát từng cơ sở, lựa chọn các cây trồng phù hợp với từng điều kiện, chất đất ở từng địa phương, Thanh Chương đã tạo ra những hiệu quả khá rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thu nhập của người nông dân được cải thiện đáng kể, tư duy sản xuất hàng hóa của người dân cũng dần được hình thành.

Tổng thu nhập bình quân trên đơn vị canh tác được nâng lên gần 65 triệu đồng/ha/năm (2012), vượt xa chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện đề ra chỉ 50 triệu đồng/ha/năm, đạt 129,16% chỉ tiêu. Hiện tại, huyện tiếp tục chỉ đạo đưa cây trám đen có giá trị kinh tế cao, vừa là cây đặc sản của Thanh Chương để trồng ở những diện tích đất đồi, đất vườn hộ. Một mặt chuyển đổi cây trồng trên diện tích kém hiệu quả, tăng lượng đất hữu dụng lên, góp phần vào mục tiêu nâng cao thu nhập cho người nông dân “một nắng, hai sương”.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích hiệu quả thấp ở Thanh Chương là hướng đi đúng và bước đầu cho thấy hiệu quả rõ nét. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn đang còn rất khiêm tốn, nhỏ lẻ về diện tích và mô hình cây trồng chưa phong phú, chưa xác định được cây chủ lực có thương hiệu và quy hoạch để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn. Thêm vào đó, việc cung ứng giống có chất lượng cao và liên kết bao tiêu sản phẩm đang còn hạn chế. Trong thời gian tới, huyện Thanh Chương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn, đồng thời khắc phục các hạn chế nêu trên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, có như vậy hiệu quả sản xuất mới lâu bền, góp phần tăng thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích, góp vào mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: Mai Hoa
Nguồn: Báo Nghệ An (22/7/2013)

Tin tức
  • Đất và Người Thanh Chương
1