Cuộc vận động “học sinh Nghệ An nói không với
điện thoại trong buổi học” hướng đến mục tiêu tuyên truyền bằng nhiều hình
thức, biện pháp để các em học sinh từ bậc Tiểu học đến Trung học phổ thông toàn
tỉnh nâng cao nhận thức hơn nữa về rõ vai trò, mục đích khi sử dụng điện thoại
di động hàng ngày.
Đại diện các Phòng Giáo dục, trường THPT trong tỉnh ký kết tại lễ phát động.
Đồng thời, nêu cao ý thức trong việc không sử
dụng điện thoại trong buổi học chính khóa, học thêm trong nhà trường, kể cả giờ
ra chơi. Đối với các buổi học, tiết học đặc thù, hoạt động tập thể hoặc trong
tình huống đặc biệt, nhà trường và giáo viên quyết định việc sử dụng điện thoại
đối với học sinh.
Các trò chơi dân gian đã và đang được học sinh trường THPT Nguyễn Cảnh Chân thực hiện trong giờ giải lao.
Theo người đứng đầu Sở GD&ĐT Nghệ An,
thông qua Cuộc vận động giúp các em tăng sự tương tác, giao lưu trực tiếp khi
học ở trường, lớp, nhận thức được lợi ích và tiêu cực khi sử dụng điện thoại,
tránh xa tình trạng nghiện trò chơi điện tử, mạng xã hội,... Đồng thời, hỗ trợ
phát triển về tâm lý, nhân cách, thể chất và kết quả học tập của học sinh, từ
đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Giám đốc Sở GD&ĐT cũng tin tưởng, mục
tiêu, nhiệm vụ của Cuộc vận động đặt ra là rất lớn nhưng bằng tính nhân văn,
tình yêu thương, chăm lo cho học trò, giáo dục học sinh, thầy và trò cùng thực
hiện, hưởng ứng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đoàn
kết, nhất trí, chủ động sáng tạo, chắc chắn cuộc vận động sẽ thành công.
Ngay sau lễ phát động nhiều đơn vị trường học
trên địa bàn huyện Thanh Chương đã triển khai, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi
thay thế việc dùng điện thoại. Đặc biệt là khôi phục lại các trò chơi dân gian
như nhảy giây, chơi ô ăn quan, đánh chụp, đánh bồi, cờ gánh, ka rô….rất hấp dẫn. Các trò chơi này
không những giúp các em rời xa điện thoại, tránh được các trò chơi độc hại trên
mạng mà còn giúp các em trở về với tuổi thơ, với truyền thống, hình thành nhân
cách một cách toàn diện.
Trần Đình Hà