ĐĂNG NHẬP  
image banner
       
Đền Cả xã Thanh Lương đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Lượt xem: 1715
UBND huyện Thanh Chương vừa phối hợp với xã Thanh Lương long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh Đền Cả. Về dự ở tỉnh có ông Bùi Công Vinh – PGĐ Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh, ở huyện có đồng chí Nguyễn Văn Chiến – PCT UBND huyện cùng đại diện một số phòng ban cấp huyện. 
Anh-tin-bai

Văn nghệ chào mừng lễ đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh Đền Cả

Anh-tin-bai

Đông đủ các thành phần đại biểu về tham dự buổi lễ.

 Đền Cả thuộc làng Tú Viên xã Thanh Lương được nhân dân xây dựng, thờ Phan Đà - một vị tướng trẻ, tài ba, gan dạ của nghĩa quân Lam Sơn đã chiến đấu và hy sinh, trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược ở đầu thế kỷ XV. Tướng Phan Đà, sinh vào đầu thế kỷ XV ở thôn Chí Linh, xã Võ Liệt, huyện Thổ Du nay là thôn Minh Tiến, xã Võ Liệt trong một gia đình sống bằng nghề chài lưới ven Sông Lam. Cha là Phan Công Trứ, mẹ không rõ tên, ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Phan Đà được một người làm nghề rèn sắt, ở Võ Liệt đùm bọc, cưu mang.Khi lớn lên, Phan Đà đã có nhiều đóng góp trong công cuộc chống giặc Minh xâm lược. Ông đã được gia nhập nghĩa quân Lê Lợi tham gia chống giặc. Mỗi lần ra trận, với trí thông minh, lòng dũng cảm, Phan Đà luôn hoàn thành nhiệm vụ, gây được thanh thế làm quân giặc khiếp sợ. Sau nhiều lần xông pha trận mạc, lập nhiều chiến công, Phan Đà được vua Lê Lợi khen là “kỳ đồng”. Trong một trận giao chiến với nhà Minh ở bờ Bắc sông Lam (tức là vùng chợ Cồn ngày nay), Phan Đà cưỡi ngựa bạch xông pha giữa trận mạc, tả xung, hữu đột, hạ sát được nhiều quân giặc. Tuy nhiên, đến lúc trời tối, Phan Đà thấm mệt. Lợi dụng lúc này, quân địch bao vây và đâm ông trọng thương. Thấy chủ tướng bị thương, ngựa bạch lồng lên phá vòng vây phi nước đại, đưa vị chủ tướng về đến địa phận xã Võ Liệt thì Phan Đà mất. Năm 1428, kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua. Xét công lao, dũng khí của Phan Đà đã truy tặng chức "Đại tướng quân", phong làm phúc thần, cho lập đền, thờ phụng với quy mô “quốc tế, quốc tạo”.Căn cứ vào các họa tiết hoa văn và linh vật được điêu khắc, chạm trổ trang trí trên phần gỗ có thể nói Đền Cả được người dân làng Tú Viên xây dựng từ hàng trăm năm trước. Theo truyền tụng thì từ xa xưa Đền được lợp bằng tranh tre. Đây là ngôi Đền có quy mô lớn của vùng hạ huyện Thanh Chương nên nhân dân tại vùng hạ huyện gọi là Đền Cả. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện nay Đền có 2 tòa là hạ điện và thượng điện. Đây là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh, đền Cả còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của địa phương như: Địa điểm liên lạc, hội họp của Huyện Ủy Thanh Chương trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), là nơi phát lệnh, tập trung nhân dân làng Tú Viên tham gia cuộc biểu tình ngày 01/9/1930, địa điểm mít tinh biểu tình đấu tranh giành chính quyền năm 1945, làm kho đựng lương thực và súng đạn phục vụ cho chiến trường miền Nam, làm trụ sở hành chính cho chính quyền địa phương ngày đầu thành lập...

Anh-tin-bai

Đồng chí PGĐ Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh trao bằng Bằng công nhận di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh Đền Cả

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học thẩm mỹ, Đền Cả đã được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh tại Quyết định số 3963/QĐ-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2021.

Đình Hào- Văn Lý. Trung tâm văn hóa TT&TT huyện.

Tin tức
  • Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số QG
1