ĐĂNG NHẬP  
image banner
       
Bài toán khó ở Thanh Chương
Lượt xem: 421
Là huyện nông nghiệp có nguồn lao động dồi dào, tuy nhiên chất nhưng số lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá lớn và ít có cơ hội tiếp cận việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp cũng như tạo việc làm tại chỗ. Làm thế nào để giúp lao động nông thôn có thêm nhiều việc làm theo phương châm “ly nông bất ly hương” đang là bài toán khó, là sự trăn trở của  cấp ủy đảng, chính quyền huyện Thanh Chương…

Là huyện nông nghiệp có nguồn lao động dồi dào, tuy nhiên chất nhưng số lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá lớn và ít có cơ hội tiếp cận việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp cũng như tạo việc làm tại chỗ. Làm thế nào để giúp lao động nông thôn có thêm nhiều việc làm theo phương châm “ly nông bất ly hương” đang là bài toán khó, là sự trăn trở của cấp ủy đảng, chính quyền huyện Thanh Chương…


Từ sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, nhiều chi đoàn thôn, xóm thuộc xã Thanh Hòa (huyện Thanh Chương) rất khó duy trì hoạt động vì phần lớn đoàn viên thanh niên đều “Nam tiến” hoặc tìm việc làm ở các khu công nghiệp thuộc các huyện trong tỉnh. Thậm chí có những xóm như Hòa Thịnh, Hòa Sơn… chi đoàn không có đoàn viên thanh niên nông thôn tham gia sinh hoạt, có 4/8 xóm phải lấy đoàn viên trường học về làm bí thư chi đoàn thôn xóm. Anh Nguyễn Đức Nhâm - Bí thư Đoàn xã Thanh Hòa, cho hay: Do đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trên địa bàn ít ngành nghề phụ, lại thiếu vốn nên nhiều đoàn viên thanh niên phải rời làng mưu sinh. Hiện toàn xã có khoảng 250 ĐVTN đi làm ăn xa, làng xóm vắng bóng thanh niên nên việc tổ chức các hoạt động Đoàn - Hội gặp nhiều khó khăn.


Theo anh Phan Sỹ Đức - Bí thư Huyện đoàn thì thực tế đó không chỉ có ở Thanh Hòa mà là khó khăn chung trong toàn huyện. Tính đến nay, thanh niên trong độ tuổi trên địa bàn có khoảng 39 ngàn người, trong đó số đi làm ăn xa ở các khu công nghiệp chưa qua đào tạo nghề khoảng trên 20 ngàn người. Ra đi với hai bàn tay trắng, thiếu kiến thức, thiếu định hướng, lẽ dĩ nhiên thanh niên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình lập nghiệp nơi xứ người.


Hơn nữa trong thời gian qua, một số doanh nghiệp nhận lao động nhưng chỉ kéo dài thời gian hợp đồng từ 3 đến 6 tháng, sau đó lấy lý do chưa đáp ứng được yêu cầu công việc để chấm dứt hợp đồng. Một bộ phận lao động ý thức kỷ luật kém, hay nhảy việc, bỏ việc, không chịu khó nên doanh nghiệp “ngại tiếp nhận”. Đơn cử như trường hợp cách đây mấy năm, Huyện đoàn Thanh Chương giới thiệu 50 lao động đi làm việc ở công trình Thủy điện Sông Tranh, nhưng lên đến nơi thì có 28 người quay lại vì lí do “không chịu được sự buồn tẻ”, số ở lại cũng rơi rớt dần, cuối cùng chỉ có 4 người bám trụ lại. Hay gần đây nhất, Công ty may Sông Hồng (Nam Định) đã tạm thời ngừng tuyển lao động người Thanh Chương vì kỷ luật lao động kém.


Lớp dạy nghề may công nghiệp do Huyện đoàn Thanh Chương tổ chức.


Hiện nay, huyện Thanh Chương đã và đang triển khai thực hiện 2 đề án: Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu mỗi năm bình quân đào tạo nghề cho khoảng 4.500 lao động; giải quyết việc làm cho 2.500 lao động. Ngoài mở rộng quy mô đào tạo tập trung theo nhu cầu người học, dạy nghề theo hợp đồng của các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, huyện cũng tranh thủ nhiều nguồn hỗ trợ để mở các lớp đào tạo nghề gắn với làng nghề hoặc các mô hình kinh tế trên địa bàn.


Chính quyền cấp xã, thị trấn cũng đã nhận thức rõ và quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo nghề nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nếu như năm 2006, toàn huyện mới có 30 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và 1 làng nghề, tạo việc làm cho hơn 300 lao động thì nay đã có 16 doanh nghiệp, 7 công ty cổ phần, 91 cơ sở sản xuất kinh doanh, gần 200 mô hình kinh tế trang trại, 5 làng nghề và 4 làng có nghề, tạo việc làm thường xuyên cho trên 4.000 lao động. Đặc biệt, việc đào tạo nghề cũng góp phần nâng cao chất lượng cho lao động xuất khẩu. Bình quân mỗi năm, Thanh Chương có gần 800 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nguồn kinh phí phục vụ cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Trung bình một năm vốn từ quỹ giải quyết việc làm được khoảng 1,5 tỷ đồng chia cho 15 dự án, mỗi dự án cũng chỉ được khoảng 100 triệu đồng. Ngân sách huyện cũng chỉ cấp 1 năm trung bình khoảng 200 triệu đồng cho đào tạo nghề. Nguồn từ đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thường chậm so với kế hoạch nên các đơn vị thường phải lấy nguồn dự phòng để triển khai trước, rất khó khăn.


Mặt khác, thời gian đào tạo chỉ có 3 tháng nên chủ yếu thiên về các ngành trồng trọt, chăn nuôi trong khi lao động đi làm ăn xa cần những ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp như điện, cơ khí… Vì thế, đối tượng học nghề chủ yếu đã có gia đình ở độ tuổi 35-55, trẻ hơn chỉ được khoảng 1%. Một khó khăn nữa đối với lao động nông thôn, đó là thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Các nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho người nghèo phát triển kinh tế không đáp ứng đủ nhu cầu, đó là chưa kể các thủ tục hành chính rườm rà. Đơn cử như vốn từ quỹ thanh niên lập nghiệp chỉ được 10-15 triệu đồng cho một lần vay và mỗi năm cũng chỉ vài người được vay.

Theo ông Phan Đình Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện thì việc chưa được đầu tư, phát triển các khu công nghiệp như một số huyện phụ cận cũng là một cái khó trong việc giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Hiện trên địa bàn có 1 nhà máy sắn, xí nghiệp chè, 3 nhà máy gạch… chỉ giải quyết được số lao động thời vụ. Bởi vậy, dù có nhiều nỗ lực trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm nhưng hiện nay tổng số lao động trong độ tuổi toàn huyện có khoảng 121 nghìn người thì số được qua đào tạo nghề chỉ chiếm khoảng 43%...


Khánh Ly

Nguồn: Báo Nghệ An (18/3/2013)

Tin tức
  • Đất và Người Thanh Chương
1