Các vị đại khoa Hán học của huyện Thanh Chương. Tiến sỹ Nguyễn Tiến Tài
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Tài (1642-1697, Gia phả dòng họ chép ông mất năm 1707), người làng Thổ Hào, xã Nhân Thành phủ Đức Quang. Nay là xã Thanh Tùng, Huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn năm Cảnh Trị 2 đời vua Lê Huyền Tông (1664), ra làm quan thăng lên tới chức Lại bộ Thượng thư, nhập nội hành khiển, Nghĩa quận công.
Theo Nguyễn Tiến gia phả viết bằng chữ Hán, hiện còn lưu giữ được: Nguyễn Tiến là dòng họ danh gia vọng tộc, có người
làm quan trong triều. Nguyễn Tiến Tài thuộc đời thứ 7 của dòng họ có tên húy là
Lệnh, tên tự là Tiến Tài. Thuở nhỏ ông rất hiếu học, lại được giáo dưỡng rất
nghiêm, năm 17 tuổi đã đem lều chõng đi dự thi Hương ở trấn Nghệ An. Ông từng
đỗ Hương cống hai khoa, song thi Hội lần đầu khoa thi năm Tân Sửu (1661) chỉ đỗ
đến Tam trường, đến khoa thi năm Giáp Thìn (1664) niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 đời
Lê Thần Tông ông đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, được bổ làm Giám sát
Ngự sử đạo Hải Dương, rồi thăng dần đến Đốc thự trấn Nghệ An. Năm Ất Sửu (1685)
đời Lê Huy Tông ông được cử làm Phó sứ đi sang nhà Thanh làm công việc tuế cống
hàng năm. Khi về được thăng chức Hữu Thị lang Bộ Lễ. Bình sinh ông sáng tác rất
nhiều thơ văn, hiện trong gia phả chỉ chép được một số bài.
Bến Ba Ngè (xã Thanh Giang) tương truyền là bến sông từng đón 3 ông nghè về vinh quy bái tổ (ảnh Báo Nghệ An).
Tên tuổi ông được khắc trên bia đá ở Văn miếu Quốc
tử giám Hà Nội. Các sách Hán Nôm cổ như Lịch triều đăng khoa lục,
ký hiệu VHv.652, Liệt huyện đăng khoa lục, ký hiệu A.485,
Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam xuất bản năm 1993 đều thấy ghi
chép hành trạng.
Có một số tài liệu chép rằng: Nguyễn Tiến Tài mất năm Năm
Chính Hòa thứ 18 (1697), hưởng dương 55 tuổi, được Chúa Trịnh ban tặng Tả
thị lang bộ Hộ, ban thụy Chất Trực, tước Tử, phong Phúc thần, phong tặng Triều
đại phu, Hải Dương đẳng xứ Tán trị Thừa chính ty Tham chính, Cửu Giám nam nhưng trong gia phả họ Nguyễn Tiến ở làng Nhân Vực
lại ghi rõ: “Ông sinh vào giờ Mùi ngày mồng 8 tháng 4 năm Nhâm Thân, mất vào
giờ Sửu ngày 22 tháng 7 năm Đinh Sửu, thọ 66 tuổi”. Tra cứu niên biểu, chúng ta
biết năm Đinh Sửu tức năm 1707, chứ không phải năm 1697. Như vậy tư liệu xác
định năm mất của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Tài chép trong gia phả họ Nguyễn Tiến ở
làng Nhân Vực này có thể bổ sung thêm cho chính sử. Đây là một trong
những giá trị của bản gia phả họ Nguyễn Tiến. Sau khi mất, ông được đưa về quê
hương an táng tại vùng Quạt Mo (thuộc xã Thanh Tùng) được dân xã lập đền thờ
phụng, được phối thờ tại Văn miếu bản huyện (Đình Võ Liệt). Ngoài nhà thờ họ,
Nguyễn Tiến Tài cũng được con cháu lập nhà thờ riêng tại làng Tiên Cầu (xã
Thanh Giang), tế lễ muôn đời.
Xét công trạng, sự nghiệp của ông, ngành Văn hóa các cấp và UBND tỉnh
Nghệ An đã thực hiện các thủ tục hồ sơ đề nghị và được Bộ trưởng Bộ Văn hóa
Thông tin ký Quyết định số 534/ QĐ/ VHTT, ngày 11/5/1993 công nhận nhà thờ và
phần mộ của ông là Di dích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Từ sau khi được xếp
hạng, dòng họ, ngành văn hóa và chính quyền các cấp đã và đang từng bước tôn
tạo, bảo vệ để gìn giữ và phát huy truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Nhà thờ Tiến sỹ Nguyễn Tiến Tài ở xóm Tiên Cầu xã Thanh Giang- Ảnh Báo Nghê An
Hiện ở Thành phố Vinh (Nghệ An) có đường Nguyễn Tiến Tài dài 230m, rộng
5m, đi từ đường Nguyễn Thị Minh Khai , qua khu dân cư khối Yên Bình (phường
Hưng Bình) tới ngã ba giao với đường Hồ Sỹ Dương. Ngày 13/12/ 2020 HĐND tỉnh
Nghệ An cũng đã có Quyết định đặt tên đường Nguyễn Tiến Tài ở Thị trấn
Thanh Chương, Huyện Thanh Chương. Tuyến đường có điểm đầu giáp
với đường Nguyễn Sỹ Sách (Cổng UBND huyện Khối 1A), điểm cuối
giáp đường Phạm Kinh Vỹ (Nhà văn hóa Khối 1A), đường được thiết kế rộng 9
m, dài 750 m, là một trong những tuyến chính, đẹp trên địa bàn.
Trần Đình Hà