Năm 1874, ngay sau khi Triều đình Huế ký với Pháp Hiệp ước Giáp Tuất, tầng lớp văn thân, sĩ phu yêu nước đã phản ứng mạnh mẽ, đặc biệt là Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Đáng chú ý nhất là cuộc khởi nghĩa Trần Tấn - Đặng Như Mai ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã ghi dấu ấn điển hình về tinh thần dân tộc cao cả vì chủ quyền quốc gia và để lại những bài học quý giá cho cuộc đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc sau này.
Hiệp
ước Giáp Tuất (1874) đã thể hiện sự bất bình đẳng giữa Việt Nam và Pháp trên
tất cả các mặt chính trị, kinh tế, tạo cơ hội cho thực dân Pháp can thiệp sâu
hơn vào hoạt động của triều đình, tiến một bước dài trong quá trình thôn tính
Việt Nam.
Các đại biểu và con cháu dâng hương tại nền tế cờ
Trước
thái độ đầu hàng của triều đình, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp,
chống triều đình của các tầng lớp nhân dân tiếp tục dâng cao tại nhiều địa
phương ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ từ sau Hiệp ước Giáp Tuất được ký kết. Văn thân, sĩ
phu phẫn nộ đã nổi dậy nhiều nơi như Hộ đốc Lê Hữu Thường, Tuần phủ Đặng Xuân Bảng
ở Nam Định, sĩ phu Nguyễn Mậu Kiến ở Thái Bình, quy mô lớn nhất của phong trào
Văn thân lúc ấy là ở Nghệ - Tĩnh do thầy trò Tú Tấn lãnh đạo.
Theo
“Từ điển nhân vật xứ Nghệ” của PGS Ninh Viết Giao thì Trần Tấn là sĩ phu yêu
nước, quê làng Chi Nê, tổng Võ Liệt, nay là xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương,
tỉnh Nghệ An. Ông đỗ Tú tài, xuất thân làm Bang biện huyện Thanh Chương. Với
tấm lòng nhiệt thành yêu nước, khi đang làm Bang biện, ông đã có những hành
động rất kiên quyết là trấn áp một số cha cố đang hoạt động gián điệp ở vùng Mộ
Vinh (Thanh Chương), ông bị Triều đình Huế buộc tội và cách chức. Không vì thế
mà ông nhụt chí, ông ra Bắc vào Nam lấy cớ dạy học để kết bạn tâm giao.
cùng bàn bạc việc chống Pháp. Năm 1873, quân
Pháp đánh chiếm Hà Nội và các tỉnh lân cận, Trần Tấn cùng học trò thân tín là
Đặng Như Mai tập hợp các sĩ phu yêu nước như Trần Quang Cán, Nguyễn Huy Điển ở
Hà Tĩnh, Trương Quang Thủ ở Quảng Bình, họp văn thân bàn cách đánh giặc, chiêu
mộ nghĩa quân phát động khởi nghĩa. Nhằm nêu cao mục đích chính nghĩa và tập
hợp lực lượng đông đảo các tầng lớp nhân dân, Trần Tấn đã viết bài “Hịch văn
thân” đề ngày mồng 2 tháng 2 năm Tự Đức thứ 27 (tức ngày 29/3/1874) với khẩu
hiệu “Bình Tây sát tả” để hô hào Nhân dân vùng lên cứu nước. “Bình Tây sát tả”
chính là cương lĩnh của cuộc khởi nghĩa.
Ngày
17/3/1874, Trần Tấn cùng con trai là Trần Hướng và học trò Đặng Như Mai làm lễ
tế cờ tại rú Đài (Thanh Chi) rồi kéo xuống Thanh Thủy (Nam Đàn) lập đại đồn.
Trần Tấn đã đọc “Hịch văn thân”, kêu gọi quân sĩ: “Hãy vì lăng miếu tổ tiên ngàn đời của cha ông mà
cùng nhau dốc lòng, dốc sức chiến đấu” và ông được
tôn là “An Nam đại lão tướng quân”, tổng chỉ huy toàn bộ nghĩa sĩ ở Nghệ An, Hà
Tĩnh. Các tướng sĩ khác được giao các nhiệm vụ cụ thể khác: Đặng Như Mai coi
việc thuế khóa và vận động Nhân dân quyên góp vật chất để nuôi quân; Đặng Quang
Vinh (em trai Đặng Như Mai) theo dõi tình hình, kịp thời đối phó với bọn phản
động đội lốt tôn giáo làm gián điệp cho Pháp trong vùng; Trần Hướng, Năm Thiện,
Đội Dục được giao nhiệm vụ chỉ huy các toán quân chiến đấu...
Hưởng
ứng lời kêu gọi “Bình Tây sát tả”, Nhân dân Nghệ An nhiệt liệt hưởng ứng cuộc
khởi nghĩa. Nghĩa quân đã chiếm được tỉnh lị Hà Tĩnh và làm chủ hầu hết các
vùng Nghệ Tĩnh, trừ thành Nghệ An. Từ chỗ chống Pháp, cuộc khởi nghĩa trên thực
tế đã chuyển thành một phong trào vừa
chống Pháp, vừa chống triều đình đầu hàng, đồng thời cũng là một
cuộc đấu tranh quyết liệt giữa bộ phận chủ trương kháng chiến và bộ phận đầu
hàng trong giai cấp phong kiến mà tiêu biểu là Triều đình Huế.
Hoảng
hốt trước sức mạnh của nghĩa quân, vua Tự Đức ra lệnh giáng chức các quan lại
bất tài ở Nghệ An: Tôn Thất Triệt, Phạm Chi Hương, Nguyễn Đôn, cử Nguyễn Chính
làm Tổng đốc, chỉ thị phải hợp tác với cha cố người Pháp để đối phó. Tự Đức
phải cử Đô Thống Hồ Oai dẫn 600 quân từ Thanh Hóa vào hợp tác, sau đó là Khâm
sai Nguyễn Văn Tường, Tổng thống quân vụ đại thần Lê Bá Thận, Nguyễn Đình Khoa
đem 500 quân cấp tốc ra Hà Tĩnh, cử Phạm Tiến Lâm đưa hơn 1.000 quân đóng giữ
tuyến sông Gianh để đàn áp. Chưa đủ, ở phía Bắc, Tự Đức còn điều cả quân của
Tôn Thất Thuyết đang đóng ở Sơn Tây về Thanh Hóa lấy thêm quân rồi tiến vào
Nghệ An để giải vây cho thành Diễn Châu và thành Vinh. Thực dân Pháp và tay sai
đã treo thưởng 400 lạng bạc và chức quan Chánh phẩm cho ai giết hoặc bắt được
“giặc Mai, giặc Tấn”.
Căn
cứ Võ Liệt của nghĩa quân ở Thanh Chương nhanh chóng bị phá vỡ. Trần Tấn và
Đặng Như Mai phải rút về vùng núi phía Tây của Nghệ Tĩnh cùng với Trương Quang
Thủ, Nguyễn Huy Điển. Khẩu hiệu “Bình Tây sát tả” có đã bộc lộ rõ sự hạn chế là
tạo ra sự chia rẽ trong nội bộ khiến nghĩa quân ngày một yếu đi.
Thất
bại của khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) của Trần Tấn - Đặng Như Mai cũng như phong
trào yêu nước nửa cuối thế kỷ XIX đã bộc lộ sự lỗi thời, bất lực của ý thức hệ
phong kiến cũng như tình trạng khủng hoảng lãnh đạo, thiếu đường lối đúng đắn
dẫn dắt để giải phóng dân tộc. Đây chính là bài học sâu sắc về vai trò lãnh đạo
và huy động tổng hợp sức mạnh toàn dân tộc cho sự nghiệp đấu tranh giữ nước.
Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh huyện, xã tại buổi lễ kỷ niệm 150 năm khởi nghĩa Giáp Tuất
Đánh
giá, ghi nhận ý nghĩa lịch sử lớn lao của Khởi nghĩa, khu di tích nền Tế Cờ, mộ
và nhà thờ Trần Tấn ở xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương đã được Nhà nước xếp
hạng là “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia” năm 2002. Hàng năm, tại khu di
tích này diễn ra nhiều kỳ lễ, nhưng lớn nhất là lễ giỗ của Trần Tấn vào ngày
22/8 âm lịch và lễ kỷ niệm ngày Trần Tấn làm Lễ tế Cờ 17/3 âm lịch. Sở văn hóa
thể thao, UBBND huyện Thanh Chương, xã Thanh Chi vả dòng họ Trần Đức vừa long
trọng tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm ngày khởi nghĩa Giáp Tuất trong niềm tự hào. Chí
khí anh hùng, tinh thần chiến đấu ngoan cường của Trần Tấn mãi được Nhân dân
Nghệ - Tĩnh và Nhân dân cả nước ngưỡng mộ và tôn kính. Ông xứng đáng là một
danh nhân lịch sử của dân tộc và quê hương xứ Nghệ.
Trần Đình Hà