Quả trám (người dân Thanh Chương gọi là quả mui) là loại quả to bằng ngón tay, nhọn 2 đầu, lúc chín có màu đen, thơm ngon béo bùi, là món ăn dân dã được nhiều người yêu thích. Nhất là đối với những người Nghệ xa quê, cứ đến mùa trám chín vào giữa thu là nhớ về vị bùi béo ngầy ngậy của quả trám quê. Tuy nhiên, để chọn và chế biến được món trám ngon đúng điệu, không phải ai cũng biết.
Trám có thể chế biến nhiều món ăn như kho với thịt, cá, nộm trám với rau
thơm và lạc rang, hoặc là nhồi thịt hấp nhưng phổ biến nhất vẫn là ăn luôn. Nếu
ăn luôn thì nên chấm với nước có lạc rang (chẻo), muối vừng nhưng hợp nhất có
lẽ là với thịt nạc băm nhỏ, hành khô phi thơm, cho thịt đã ướp mắm tiêu vào đảo
đều cho săn lại, cho thêm chút nước làm nước chấm. Cũng có thể chấm mắm tôm
cùng thịt ba chỉ luộc, rau thơm và khế.
Mùa trám tới nhanh và hết cũng nhanh, nay đã là cuối mùa trám chín. Trên
địa bàn huyện Thanh Chương tại các xã vùng Cát Ngạn như: Cát Văn, Thanh Nho,
Hạnh Lâm, Thanh Đức...người dân đang tập trung thu hoach, có thể bán ngay tại
gốc, tại chợ hoặc thu gom đưa đi mọi miền đất nước. Năm nay, do mất mùa nên giá
bán tại gốc là 120.000 đồng/kg. Ở các chợ, trám được bán 140.000 đồng/kg, có
thời điểm lên đến trên 160.000 đồng/kg. Việc thu hái trám rất vất vả, bởi hầu
hết cây cao, cành giòn, quả ở các phần ngọn nên người thu hoạch phải có sức
khỏe và có “nghề”. Có những cây trám cho thu hoạch từ 7- 10 triệu đồng. Ngoài
số lượng trám gốc trồng bằng hạt, lưu niên có nhiều cây trên 100 năm tuổi.
Huyện Thanh Chương đang có những chính sách khuyến khích người dân trồng trám
lai ghép, vừa đảm bảo nguồn giống tốt, tán thấp lại nhanh có quả.
Thu hoạch trám
Thời khó khăn, quả trám là một loại thức ăn của vùng quê nghèo nhưng nay
nó là đặc sản, ai đi xa cũng nhớ miếng trám đen chấm tương ngọt bùi đậm đà ngày
ấy. Sau mỗi bữa ăn có trám chấm tương, trẻ con thường tranh nhau nhặt hạt trám.
Hạt trám hình thoi, rất cứng. Dùng dao sắc chặt ngang hạt rồi lấy gai bưởi khều
cái nhân ra. Nhân hạt quả trám trắng tinh, ăn có hương vị thơm đặc trưng và béo
ngậy. Nhân hạt quả trám nhỏ nhưng với bọn trẻ quê ngày ấy là một món ngon, có
đứa còn thò miệng hút chùn chụt hết chút nước còn sót trong lõi nhân một cách
thèm thuồng, thích thú. Sau khi ăn nhân, lại lấy từng nửa hạt ấy đóng xuống nền
nhà (ngày trước đa số là nền nhà bằng đất không láng bê tông hay lát gạch men
như bây giờ) tạo nên những hình hài theo ý thích. Có thể là họ và tên mình, có
thể là một địa danh mình yêu có thể là một ngôi sao nhiều cánh…
Những quả trám đen béo ngậy, hấp dẫn
Những
năm trước, trám đen Thanh Chương được tiêu thụ tươi là chủ yếu. Việc chế biến
theo cách truyền thống không bảo quản được lâu. Từ giữa năm 2017 đến nay, với
sự phối hợp của Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, việc ứng dụng KHCN xây dựng
mô hình sản xuất chế biến bảo quản quả trám đen Thanh Chương đã được triển
khai. Theo đó, đã có 2 sản phẩm trám muối đóng lọ và trám sấy đóng gói có chất
lượng được đưa ra thị trường, xuất hiện trong các nhà hàng, siêu thị…được khách
hàng khắp nơi tin dùng.
Trám đen muối- sản phẩm OCOP 3 sao của Công ty Trọng Anh ở xã Thanh Lương
Đây là thành quả mới nhất của dự án “Ứng dụng khoa học
- công nghệ xây dựng mô hình bảo quản chế biến quả trám đen Thanh Chương” do
huyện Thanh Chương đề xuất, được UBND tỉnh đồng ý, giao cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nông
nghiệp Trọng Anh có địa chỉ tại xóm 8 xã Thanh Lương thực hiện chủ trì. Dự án
thực hiện khép kín thành chuỗi từ tuyển chọn, nhân giống, trồng đến chế biến và
bảo quản đã mở ra hướng đi mới cho cây trám trên địa bàn. Trong kế hoạch phát
triển tài sản trí tuệ của tỉnh, trám đen là một trong những loại cây đặc sản
được tập trung xây dựng chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm đã được công nhận đạt O COP 3
sao từ năm 2019.
Trần
Đình Hà