ĐĂNG NHẬP  
image banner
       
Bảo vệ môi trường tại xã miền núi Thanh Hương: Từ ý thức đến hành động thiết thực
Lượt xem: 373

Xã Thanh Hương, một xã miền núi thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, nổi tiếng với địa hình đa dạng, nơi có sông Trai chảy qua và nhiều khe suối, ao hồ tự nhiên tạo thành những hệ sinh thái phong phú. 

Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Thanh Hương không chỉ là một bức tranh quê đẹp đẽ mà còn là một vùng đất đa dạng về mặt sinh thái. Tuy nhiên, cùng với những tiềm năng đó, nơi đây cũng đối mặt với nhiều thách thức về bảo vệ môi trường. Đã có lúc sông Trai nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng.

Gần đây, sự trở lại của đàn cò, đàn chim trên những cánh đồng, trên những đồi cây ở xã Thanh Hương đã làm bừng lên sức sống mới cho thiên nhiên địa phương. Đây là dấu hiệu tích cực của hệ sinh thái hồi phục. Có được kết quả đó là nỗ lực rất lớn của Cấp uỷ và Chính quyền địa phương nơi đây. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Hương đã nhấn mạnh: “Sự trở lại của đàn chim, cò là niềm vui lớn, nhưng bảo vệ môi trường không thể chỉ dừng lại ở đây. Đó là một quá trình liên tục đòi hỏi sự hợp tác của toàn dân. Đạt chuẩn nông thôn mới là một thành quả đáng tự hào, nhưng việc bảo vệ môi trường là yếu tố sống còn, đảm bảo sự phát triển bền vững cho tương lai.”

 

Anh-tin-bai

Đàn có trắng bình yên bên đàn trâu đang gặm cỏ ở Đồng Ngoài xã Thanh Hương tạo nên một bức tranh yên bình

Phong trào bảo vệ môi trường tại Thanh Hương không chỉ là những khẩu hiệu trên các tấm bảng hiệu, mà đã thực sự trở thành những hành động cụ thể. Việc đàn cò, đàn chim quay trở lại làm tổ tại các khe suối, ao hồ không chỉ mang lại niềm vui cho người dân mà còn là dấu hiệu tích cực về sự phục hồi của hệ sinh thái. Xã Thanh Hương đã ban hành những quy định nghiêm ngặt nhằm bảo vệ hệ sinh thái như cấm săn bắt chim, cò, và cấm sử dụng kích điện tại ao hồ, sông suối để bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua các kênh phát thanh, các buổi họp và hoạt động giáo dục tại trường học. Từ đó, nhận thức của người dân dần thay đổi, hành động bảo vệ môi trường trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp phong trào bảo vệ môi trường tại Thanh Hương lan tỏa mạnh mẽ chính là sự lãnh đạo quyết liệt của chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Văn Tiến chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi, mà sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tuần tra thường xuyên, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là việc săn bắt, đánh cá bằng kích điện để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đàn chim, đàn cò và hệ sinh thái địa phương.”

Với lợi thế có dòng sông Trai chảy qua, cùng nhiều khe suối, ao hồ, Thanh Hương sở hữu một nguồn tài nguyên nước tự nhiên vô cùng quý giá. Nguồn nước này không chỉ phục vụ cho hoạt động sinh hoạt và sản xuất của người dân mà còn nuôi dưỡng các hệ sinh thái tự nhiên, tạo môi trường sống lý tưởng cho nhiều loài động thực vật. Chính vì thế, bảo vệ nguồn nước tại địa phương cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ sự sống và sinh kế của cộng đồng.

Nhìn vào những kết quả đạt được của Thanh Hương, không thể không nhắc đến vai trò của cộng đồng. Mỗi người dân nơi đây đều đã và đang góp phần nhỏ của mình vào bức tranh lớn của công tác bảo vệ môi trường. Những việc làm thiết thực ấy, từ người nông dân cho đến các em học sinh, đều đang tạo ra một làn sóng xanh, lan tỏa tinh thần sống xanh đến từng góc nhỏ của xã.

Khép lại buổi trò chuyện, ông Nguyễn Văn Tiến bày tỏ niềm tin sâu sắc rằng nếu cộng đồng tiếp tục đồng lòng, cùng hành động, Thanh Hương sẽ không chỉ là một xã đạt chuẩn nông thôn mới, mà còn là nơi sinh sống lý tưởng với môi trường sống trong lành, hệ sinh thái bền vững./.

Tác giả: Phan Đình Thanh 

 
12345678910...
Tin tức
  • Đất và Người Thanh Chương
1