ĐĂNG NHẬP  
image banner
       
Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách: người con ưu tú của quê hương Xô viết.
Lượt xem: 359

Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách hiệu là Kiếm Phong, sinh ngày 20/1/1905 trong một gia đình nhà nho ở làng Tú Viên, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An là một trong những chiến sỹ cách mạng tiền bối của đảng.

Anh-tin-bai

Vốn thông minh, hiếu học, năm 11 tuổi, Nguyễn Sỹ Sách đã đỗ đầu kỳ thi tuyển sinh, năm 13 tuổi đã đỗ thứ hai kỳ thi tiểu học, 17 tuổi đỗ bằng thành chung khóa đầu trường trung học thành phố Vinh.

Anh bước vào nghề dạy học năm 19 tuổi, Sau sự kiện vang dội của tiếng bom Phạm Hồng Thái tinh thần yêu nước của những người cách mạng Việt Nam càng sôi sục. Là một thanh niên sôi nổi, can đảm và vô cùng khâm phục tấm gương yêu nước của Phạm Hồng Thái, anh háo hức tìm đọc sách báo tiến bộ, tìm hiểu hoạt động cứu nước của các bậc sĩ phu. Thông qua việc tiếp xúc, tìm hiểu sách báo, anh dần dần có ý thức về những gì đang diễn ra trong xã hội Việt Nam. Những tác động trên đã khiến cho anh càng thêm quyết tâm lựa chọn con đường hoạt động cách mạng của mình.

Tháng 7/1925, Nguyễn Sỹ Sách gia nhập Hội Phục Việt, một tổ chức cách mạng do các trí thức yêu nước sáng lập. Nhận trách nhiệm trước Hội, anh phụ trách việc xây dựng tổ chức và truyền bá tư tưởng yêu nước trong trường học và thị xã Hà Tĩnh. Anh bí mật đọc sách báo tiến bộ từ Pháp gửi sang, đồng thời quan tâm đến mọi chuyển biến chính trị đang diễn ra trong xã hội nước ta lúc đó. Chẳng bao lâu, anh đã xây dựng được một số hội viên tích cực trong đó có cả những thầy giáo như Nguyễn Trí Tư, Hoàng Đức Thi và học sinh như Trần Tích Thiện, Nguyễn Công Hoạch, Lê Bá Cảnh, Nguyễn Huy Lung, Nguyễn Đình Chuyên...

 Từng bước lao vào hoạt động cách mạng, tư tưởng căm ghét bọn thực dân Pháp chi phối suy nghĩ và hành động của Nguyễn Sỹ Sách. Anh quyết tâm đấu tranh đòi một sự bình đẳng, công bằng; phản đối những điều bất công, những hành động ngang ngược, thô bạo, bỉ ổi của quan chức và binh lính Pháp đối với người Việt Nam. Nguyễn Sỹ Sách đả kích sâu cay chiêu bài “bảo hộ”, chính sách “khai hóa văn minh” của thực dân Pháp và thái độ đê hèn của bọn vua quan phong kiến tay sai. Anh vận động thân sinh đốt đạo sắc “Hàn lâm đại chiếu” của chính Vua Khải Định ban cho, để tỏ nổi bất bình với tên vua “đớn hèn, bất lực và ngu dốt”. Những thái độ phản kháng đầu tiên trên đây đã thể hiện rõ một lập trường dứt khoát, bất hợp tác với chế độ thuộc địa phong kiến đương thời của Nguyễn Sỹ Sách.

Description: https://nghean.dcs.vn/caches/news/f63/e6a6b490.jpeg

Giữa năm 1926, Nguyễn Sỹ Sách bắt được liên lạc với số cán bộ của Hội Thanh niên vừa ở Quảng Châu về. Thông qua họ, anh hiểu thêm nhiều điều mới mẻ về cách mạng, đặc biệt những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài. Nhận trách nhiệm trước Hội Phục Việt, anh lần đường sang Trung Quốc để tìm gặp Nguyễn Ái Quốc, nhưng đến Hải Phòng, bị bọn mật thám theo dõi, anh phải trở về.

Tháng 8/1927, Nguyễn Sỹ Sách được tổ chức cử sang Quảng Châu, Trung Quốc dự lớp học chính trị đặc biệt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trực tiếp giảng bài. Sau khóa học, đồng chí Nguyễn Sỹ Sách được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Về nước, Nguyễn Sỹ Sách được cử làm Bí thư Kỳ bộ Việt Nam cách mạng thanh niên Trung Kỳ. Với cương vị đó, anh đã đến các tỉnh chỉ đạo việc xây dựng và phát triển Hội, đặc biệt là trong các xí nghiệp, vùng nông thôn các tỉnh Trung Kỳ, xúc tiến mạnh mẽ việc hợp nhất Việt Nam cách mạng thanh niên và Việt Nam cách mạng Đảng. Song song với xây dựng tổ chức, Nguyễn Sỹ Sách đã dịch sách, biên soạn tài liệu, bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, hội viên và tiến hành thống nhất phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Nhờ vậy, chưa đầy một năm sau, tổ chức và ảnh hưởng của Hội đã lan rộng.

Ngày 19/10/1928, Nguyễn Sỹ Sách bị thực dân Pháp bắt giam. Bọn mật thám giải anh vào Huế rồi lại đưa về Vinh tra hỏi. Không khai thác được gì, một tháng sau, bọn chúng buộc phải trả lại tự do cho Nguyễn Sỹ Sách.

Anh-tin-bai

                                Nhà thờ Nguyễn Sỹ Sách tại làng Tú Viên- xã Thanh Lương- huyện Thanh Chương

Cuối tháng 4/1929, đồng chí Nguyễn Sỹ Sách dẫn đoàn đại biểu của tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Trung Kỳ sang Hương Cảng dự Đại hội đại biểu Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đại hội bế mạc, đồng chí Nguyễn Sỹ Sách tham dự hội nghị Ban Chấp hành Tổng bộ, tiếp tục thảo luận việc thành lập Đảng Cộng sản.

Mọi công việc chuẩn bị điều kiện để thành lập chính Đảng ở Việt Nam đang được tiến hành, đồng chí Nguyễn Sinh Sắc đang say sưa biên soạn văn bản tài liệu cho cuộc họp thì ngày 28/7/1929, đồng chí bị sa vào tay giặc, bị đưa vào giam ở nhà lao Vinh. Mặc dù bị tra tấn hết sức dã man, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của một chiến sĩ cộng sản. Trong phiên tòa mở tại thành phố Vinh, bọn thống trị đã kết án đồng chí tù khổ sai chung thân. Ngày 30/10/1929, đồng chí bị đày vào giam tại Nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị).

Nhà tù Lao Bảo nằm sâu trong vùng rừng núi hiểm trở thuộc tỉnh Quảng Trị. Không thể chịu nổi cảnh ngục tù Nguyễn Sỹ Sách cùng với các đồng chí tù cộng sản bàn nhau đấu tranh. Nhận trách nhiệm lãnh đạo lao B, Nguyễn Sỹ Sách động viên anh em giữ vững tinh thần, kiên quyết đấu tranh chống lại chính sách tàn nhẫn của bọn thống trị đối với tù nhân. Trưa ngày 19/12/1929 đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt của anh em tù chính trị, Nguyễn Sỹ Sách kịch liệt lên án để vạch mặt kẻ thù. Đồng chí đã lớn tiếng tuyên bố hùng hồn trước tên Công-bơ phụ trách nhà tù và bọn lính: “Đối với chúng tôi, hoặc là chết chứ không thể sống dưới chế độ dã man này!...”. Để bảo vệ tên chúa ngục khát máu khi bị anh quất chiếc chiếu vào mặt, bọn tay sai đã bắn chết đồng chí Nguyễn Sỹ Sách lúc 17 giờ ngày 19/12/1929.

Tinh thần đấu tranh anh dũng của Nguyễn Sỹ Sách như ngọn lửa hồng làm ấm lại bầu không khí lạnh giá trong ngục tù đen tối, làm dịu đi nỗi đau cho tất thảy tù chính trị ở Lao Bảo. Bởi vậy cái chết oai hùng của đồng chí như tiếp thêm sức mạnh cho anh em tù tiếp tục đấu tranh cho đến ngày thắng lợi.

Sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách tuy ngắn ngủi nhưng đã nêu tấm gương sáng về tinh thần và ý chí cách mạng kiên trung, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân vì nền độc lập của dân tộc, vì sự nghiệp quang minh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy không được chứng kiến thời điểm lịch sử: Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, song mọi hoạt động trong sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách là bước chuẩn bị mọi điều kiện góp phần đưa đến sự kiện vinh quang đó. Máu đào của đồng chí đã tô thắm ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam anh hùng.

Nhà thờ Nguyễn Sỹ Sách là chứng tích lịch sử trong cao trào cách mạng 1930-1931, nơi hội họp, in ấn, cất dấu tài liệu của Đảng; nơi Huyện uỷ, tổng uỷ Xuân Lâm làm việc từ tháng 9 năm 1930 đến tháng 1 năm 1931 để chỉ đạo phong trào Xô Viết vùng Hạ Thanh Chương. Đây còn là nơi thành lập Chi bộ Đảng Quang Trung- Chi bộ ghép của Tú Viên với nửa làng Xuân Bảng và nửa làng Xuân Dương, do đồng chí Nguyễn Sỹ Tâm làm Bí thư.

Nhà thờ còn là nơi ghi dấu hoạt động của các đồng chí Nguyễn Tiềm- Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, Lê Xuân Đào- Uỷ viên Xứ uỷ Trung Kỳ, Đặng Chánh Kỷ, Tôn Gia Chung, Tôn Thị Quế, Tôn Gia Tinh, Võ Thúc Đồng… Khi chính quyền Xô Viết ra đời ở các thôn xóm, địa điểm này cũng là nơi học chữ Quốc ngữ cho Nhân dân trong vùng.

Hàng năm, tại nhà thờ tổ chức nhiều kỳ lễ nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của tổ tiên. Đây cũng là nơi các tổ chức của huyện, xã đến thắp hương tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Sỹ Sách vào các ngày lễ lớn của dân tộc.

Hiện tại tại thành phố Vinh có một tuyến đường lớn mang tên Nguyễn Sỹ Sách (nối từ ngã tư ga Vinh đến bệnh viện cửa Đông), tại Phường 5 , Quân Tân Bình Thành phố Hồ Chí Minh cũng có tuyến đường mang tên Nguyễn Sỹ Sách, tại Thị trấn Thanh Chương cũng đã có đường mang tên ông. Các nhà trường THPT, THCS và Tiểu học ở quê nhà cũng vinh dự được mang tên ông.

Di tích Nhà thờ Nguyễn Sỹ sách được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia năm 1998.

                                                                                                                                                                                                            Trần Đình Hà

Tin tức
  • Đất và Người Thanh Chương
1